(Bài viết chỉ phản ánh quan điểm, ý kiến riêng của người viết)

Chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng đã được quy định, hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 (sau đây viết tắt là Nghị định 100) và Thông tư số 08/2018/TT-BXD ngày 05/10/2018 của Bộ Xây dựng (sau đây viết tắt là Thông tư 08). Đây là những quy định, hướng dẫn rất cần thiết nhằm hướng tới tính chuyên nghiệp hóa trong quản lý chi phí, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tuy nhiên từ thực tế áp dụng các quy định, hướng dẫn này cho thấy còn một số bất cập sau:

  1. Điều kiện chung để được cấp Chứng chỉ :

Nghị định 100 quy định “2. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ”. Quy định này cần làm rõ các điểm sau:

Thứ nhất về “trình độ chuyên môn được đào tạo” : Đối với lĩnh vực hành nghề định giá xây dựng, Thông tư 08 làm rõ “Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kinh tế kỹ thuật hoặc chuyên ngành kỹ thuật khác có liên quan đến xây dựng công trình”. Tuy nhiên thế nào là chuyên ngành “có liên quan đến xây dựng công trình” lại không được hướng dẫn, làm rõ. Thực tế cấp chứng chỉ cho thấy, nhiều người đề nghị cấp chứng chỉ đang làm công việc quản lý chi phí (thẩm tra, thẩm định , thanh quyết toán vốn đầu tư…) ở những dự án lớn (nhóm A) hoặc các cấp công trình cấp I, cấp đặc biệt….có đủ năng lực, kinh nghiệm để cấp chứng chỉ nhưng chuyên ngành đào tạo cho thấy không có sự “liên quan đến xây dựng công trình” (Kinh tế phát triển, Kế toán, Kinh tế, Ngân hàng… trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Mở Hà Nội; Quản lý kinh doanh Đại học Dân lập và Quản lý kinh doanh Hà Nội; Tự động hóa, Điện xí nghiệp Đại học Bách khoa; Thủy nông, Tưới tiêu Đại học Thủy lợi, Nông nghiệp…) nên theo quy định sẽ không thể cấp chứng chỉ. Trường hợp cấp đổi hoặc trước đây đã cấp Hạng I nay đổi xuống Hạng II, III cũng không rõ có phải áp dụng quy định này không?.

Thứ hai là “thời gian kinh nghiệm” tham gia công việc Định giá xây dựng : quy định này cũng không có hướng dẫn cụ thể. Thời gian này xác định từ khi cấp bằng Đại học hay tính theo “Thời gian kinh nghiệm liên quan” tại  Mục 9 trong Đơn đề nghị cấp chứng chỉ. Thời gian này có phải phù hợp hoặc xác định bằng cách cộng số tháng, năm tại “thời gian công tác) tại Mục 11 của Đơn hay không?  Rất cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để khai cho đúng, thẩm tra cấp Chứng chỉ đúng. Thực tế cấp chứng chỉ cho thấy, nhiều người đề nghị cấp chứng chỉ ghi tại Mục 9 trong Đơn kinh nghiệm là 9 năm nhưng quá trình công tác chỉ ghi một, hai công trình tiêu biểu đủ để chứng minh năng lực cần phù hợp với Hạng chứng chỉ cần cấp.

  1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng:

Nghị định 100 quy định “ Đã chủ trì thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án…hoặc 01 công trình từ cấp…trở lên”. Quy định này cũng cần làm rõ các điểm sau:

2.1. Về quy định “…một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng”: Khoản 1. Điều 52 quy định “các công việc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng” gồm 7 nội dung ( từ điểm a) đến điểm g)) và trong từng điểm này lại có những công việc khác nhau ( ví dụ như điểm d): Xác định, thẩm tra dự toán xây dựng). Như vậy “một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở đây có thể được hiểu là:

  1. a) Phải thực hiện toàn bộ cả các công việc quy định (toàn bộ nội dung của điểm d) gồm xác định và thẩm tra dự toán;
  2. b) Chỉ một một trong các công việc quy định tại điểm d) : hoặc xác định hoặc thẩm tra dự toán.
  3. c) Công việc phải đúng tên gọi như quy định : ví dụ thay vì “ thẩm tra dự toán” công việc sẽ là “thẩm định dự toán” có được không?. Hoặc các công việc không có trong nội dung quy định ở khoản 1. Điều 52 trên có được xem xét là công việc quản lý chi phí hay không (ví dụ như “thẩm tra, rà soát sự phù hợp định mức chuyên ngành…”?).

2.2. Về quy định “…ít nhất 01 dự án…hoặc 01 công trình từ cấp…trở lên : ở đây cần làm rõ yêu cầu liên quan đến nội dung “công trình”. Một công trình có thể có nhiều hạng mục, nhiều gói thầu, nhiều công việc (thiết kế, khảo sát, xây dựng, lắp đặt). Như vậy (ví dụ như : “xác định, thẩm tra dự toán” 01 công trình) nên hiểu như thế nào :

  1. a) Phải thực hiện xác định, thẩm tra dự toán của tất cả các công việc, hạng mục, gói thầu thuộc công trình;
  2. b) Chỉ thực hiện “xác định, thẩm tra dự toán “ của một công việc, một hạng mục, một gói thầu thuộc công trình là được.

Nếu hiểu theo điểm a) trên sẽ là bất khả thi vì thực tế khó có đơn vị tư vấn nào được giao thực hiện các công việc trên của cả công trình (phải thuê nhiều tổ chức tư vấn khác nhau). Ngoài ra có những công việc không chỉ tổ chức tư vấn của chủ đầu tư thực hiện mà cả nhà thầu cũng phải thực hiện ( ví dụ như xác định giá gói thầu, giá hợp đồng xây dựng) nên có thể hiểu như điểm b) là hợp lý. Tuy nhiên do không có hướng dẫn cụ thể nên chỉ có thể  hiểu để vận dụng trong cho phù hợp với thực tế.

Như vậy có thể thấy, chính sách cần được hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhất là các hướng dẫn của các Bộ, Ngành. Không có các hướng dẫn chi tiết, cụ thể dẫn tới việc lập hồ sơ cấp chứng chỉ không chính xác mất nhiều thời gian, các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ có thể áp dụng máy móc, tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng tới quyền lợi của người cấp chứng chỉ hoặc hướng dẫn, vận dụng không đúng (có thể có tiêu cực, những nhiễu).

18/11/2019