Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng của doanh nghiệp xây dựng giai đoạn tới và vai trò của Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam

(Bài phát biểu của TS Cao Văn Bản, UVTT BCH Hội KTXDVN tại Diễn đàn “Thực tế và Kinh nghiệm quản lý ĐT&XD của Tổng công ty LICOGI-CTCP” tổ chức ngày 07/9/2018)

Tiến sĩ Cao Văn Bản tại diễn đàn Licogi 2018 Kinh nghiệm và thực tiễn quản lý dự án xây dựng

Ts Cao Văn Bản tại diễn đàn Thực tế và Kinh nghiệm quản lý ĐTXD của TCT LICOGI-CTCP

Ngành xây dựng đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới với cơ hội cùng với những khó thách thức mới. Để phát triển và đạt được hiệu quả trong hoạt động đòi hỏi mỗi doanh nghiệp xây dựng (DNXD)  phải có phương cách thích hợp trong quản lý đầu tư và kinh doanh của mình.

Bối cảnh phát triển kinh tế vĩ mô và thị trường xây dựng đang mở ra cho chúng ta những cơ hội mới để phát triển. Nền kinh tế nước nhà đang trên đà phát triển mạnh mẽ hơn so với những năm vừa qua. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô đầu đạt ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước (trong 6 tháng đầu năm 2018 GDP tăng 7,08%, tổng vốn đầu tư xã hội  thực hiện tăng 10,1%, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng tăng 15,5% so với cùng ký năm ngoái).  Những số liệu trên cho thấy cơ hội để thị trường xây dựng phát triển mạnh, là cơ hội tốt để  các DNXD đẩy mạnh các hoạt động và nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các DNXD cũng sẽ phải đối diện với những thách thức mới, đó là: Cạnh tranh ngày càng khốc liệt (do số lượng các DNXD tăng mạnh); yêu cầu chất lượng sản phẩm xây dựng ngày càng cao, thời gian xây dựng các công trình nhanh và yêu cầu giảm chi phí xây dựng của chủ đầu tư ngày càng cao. Cùng với các thành quả của tiến bộ khoa học – công nghệ (KH-CN) nhanh, một mặt, tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sản xuất xây dựng, mặt khác cũng đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng phải có những cố gắng trong việc tiếp thu và áp dụng thành quả tiến bộ KH-CN vào sản xuất, kinh doanh; Cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp vừa là điều kiện phát triển nhưng đồng thời cũng phát sinh những vấn đề mới đò hỏi doanh nghiệp, cần phải được tổ chức lại về cơ cấu bộ máy và cơ chế hoạt động thích hợp.

Trước thực tế đó, Chính phủ cũng đã có chủ trương cải cách thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và DNXD nói riêng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngày 25/8/2018Chính phủ đã có Nghị quyết số 110/NQ-CP về “Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng”, theo đó Nhà nước sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật  liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong ĐT&XD, thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung các nghị định về quản lý chi phí ĐTXD, về hợp đồng xây dựng; Đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng làm cơ sở quản lý ĐTXD, hạn chế thất thoát, lãng phí; Sửa đổi quy định về thẩm quyền, thủ tục đầu tư; Sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu,v.v. Theo Nghị quyết của CP, những vấn đề trên sẽ được thực hiện ngay trong năm 2019.

Với những điều kiện mới, các doanh nghiệp nói chung và DNXD, trước mắt còn những khó khăn trở ngại không nhỏ, cần phải chủ động tháo gỡ như: Hoàn thiện cơ cấu bộ máy; Tìm kiếm, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực quản lý, v.v.  Đây là những vấn đề mà trong một mức độ quyết định phụ thuộc vào nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp.

Nhìn nhận bối cảnh mới, từ những cơ hội, thách thức, thuận lợi và khó khăn của ngành và của các DNXD nói chung, có thể nêu ra một số vấn đề cần quan tâm đối với các DNXD để thích ứng với các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, gồm 4 nhóm vấn đề chính sau đây:

Về quản trị doanh nghiệp và các dự án đầu tư: Đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh (với vai trò là chủ đầu tư và Ban điều hành các dự án đầu tư) có thể cần quản tâm và giải quyết những vấn đề sau:

  • Hoàn thiện cơ cấu bộ máy quản lý phù hợp với yêu cầu đổi mới doanh nghiệp (đặc biệt đối với các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn NN). Trước hết, cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng cơ cấu bộ máy của DN (Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thành viên), cần nghiên cứu hoàn chỉnh bộ máy, xác định rõ quy mô và phạm vi hoạt động phù hợp với năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hình thức doanh nghiệp mới; cơ cấu lại bộ máy tổ chức và cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền rõ ràng.
  • Xây dựng và hoàn thiện bộ máy hoạt động có tính chuyên nghiệp cao đòi hỏi mọi hoạt động trong bộ máy được thực hiện theo quy chế, quy trình phù hợp với từng nhiệm vụ quản lý (quản lý nhân sự, quản lý chất lượng, quản lý tiến độ, chi phí, v.v.) và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp với bộ máy mới.

Về quản lý chi phí xây dựng: Các DNXD cần quan tâm đến một số vấn đề, đó là:

  • Dưới góc độ chủ đầu tư (đối với DN đang làm chủ đầu tư các dự án ĐT XD): Bên cạnh việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý nội dung chi phí theo pháp luật hiện hành (nghị định số 32/NĐ-CP, Thông tư số 06/TT-BXD. v.v.), cần quan tâm đến phương pháp kiểm soát chi phí trong các giai đoạn đầu tư để bảo đảm chi phí đầu tư phù hợp với tiến đô xây dựng và nằm trong giới hạn cho phép (Tổng mức đầu tư được duyệt). Đây là những vấn đề khó và phức tạp nhất trong thực tế quản lý các dự án đầu tư.
  • Dưới góc độ nhà thầu (đối với các doanh nghiệp đang thực hiện các hợp đồng thi công XD CT): Cùng với yêu cầu thực hiện các điều khoản hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư thì việc tìm kiếm các biện pháp giảm chi phí thi công, tăng lợi nhuận và thực hiện thanh quyết toán hợp đồng xây dựng nhanh gọn là việc rất quan trọng hiện nay. Điều này liên quan tới rất nhiều các vấn đề khác như: áp dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật xây dựng tiên tiến, tổ chức thi công, tìm kiếm nguồn và cung ứng vật tư, vật liệu hợp lý.

Nâng cao năng lực canh tranh trong đấu thầu của các doanh nghiệp: Đây là vấn đề có ý nghĩa hàng đầu đối với doanh nghiệp nhà thầu và cần quan tâm tới một số điểm mấu chốt sau:

  • Nâng cao năng lực đấu thầu của bản thân doanh nghiệp mà trước hết là năng lực của cán bộ, nhân viên tham gia vào công tác đấu thâu. Các cán bộ tham gia công tác đấu thầu trước hết phải bảo đảm năng lực theo quy định của pháp luât (phải có chứng chỉ đào tạo và chứng chỉ hành nghề) và có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ giỏi về đấu thầu trong các lĩnh vực, trước hết là hiểu biết tường tận về pháp luật, thành thạo nghiệp vụ lập HSMT, đánh giá HSDT và thực hiện đấu thầu qua mạng;
  • Các doanh nghiệp cần nghiên cứu xây dựng chiến lược và biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong đấu thầu. Đây là vấn đề mang tính lâu dài và chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có sự tập trung nghiên cứu về phương pháp, tìm hiểu về thị trường xây dựng trong lĩnh vực của mình, xây dựng và áp dụng cơ sở dữ liệu về đấu thầu của doanh nghiệp; Vận dung linh hoạt chiến lược, chiến thuật cạnh tranh trong các cuộc thầu cụ thể.
  • Bên cạnh những điểm mấu chốt nêu trên thì cần xây dựng quy trình và tổ chức bộ máy thực hiện công tác đấu thầu của doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp là hết sức cần thiết và có ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Áp dụng các phương pháp và công cụ quản lý: Để đạt được các mục tiêu trong xây dựng công trình (quản lý tiến độ, quản lý chất lượng và chi phí) cần tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng các phương pháp và công cụ quản lý hiện đại. Trong điều kiện hiện tại và tương lai, các phương pháp và công cụ quản lý doanh nghiệp nói chung và trong xây dựng nói riêng ngày càng được hoàn thiên và phát triển mạnh mẽ và sẽ trở thành yếu tố quyết định trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việc áp dụng các phương pháp và công cụ quản lý hiện đại được sử dụng trong hầu hết các nhiệm vụ quản lý, như:

  • Lập và tối ưu Kế hoạch thi công xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công tác kế hoạch của doanh nghiệp;
  • Kiểm soát tiến độ và chi phí xây dựng theo Kế hoạch và Dự toán thi công do doanh nghiệp lập và phê duyệt;
  • Xây dựng định mức và đơn giá nội bộ phục vụ cho việc lập dự toán thi công, xác định giá dự thầu, v.v.
  • Xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu: cơ sở dữ liệu nội bộ của Tổng công ty tham gia và khai thác cơ sở dữ liệu của ngành xây dựng, trong đó có Mô hình thông tin xây dựng (BIM) sẽ được giới thiệu sơ bộ tại Diễn đàn này;
  • Thực hiện công tác theo dõi, kiếm tra giám sát, đánh giá các dự án ĐTXD CT (Hệ thống Báo cáo Giám sát DA ĐTXD trực tuyến); v.v.

Trên đây là những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp xây dựng nói chung, có thể chưa bào hàm hết các các vấn đề thực tế của các DNXD. Những vấn đề nêu trên là những khó khăn, trở ngại đang và sẽ gặp phải trong công tác quản lý các dự án ĐT XDCT, đồng thời cũng là gợi ý về định hướng hoàn thiện công tác quản lý của các DNXD trong thời gian tới .

Về phía Hội KTXDVN, thông qua các hoạt động Hội thảo, Diễn đàn phối hợp cùng các DNXD là cơ hội để lắng nghe, nắm bắt, tập hợp ý kiến về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có thể, một mặt, đóng góp ý kiến phản biện xã hội đối với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về đầu tư và xây dựng theo chức năng của Hôi, mặt khác có thể trực tiếp tư vấn cho các DNXD các biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cụ thể. Trước mắt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội Kinh tế XDVN có thể cùng với các DNXD thực hiện một số công việc nhằm nâng cao năng lực quản lý, cùng nhau xử lý những khó khăn đang gặp phải ở các doanh nghiệp, của cụ thể sau:

  • Thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý của DNXD:

+ Bồi dưỡng kiến thức và cấp chứng chỉ về định giá xây dựng;

+ Cung cấp các khóa bồi kiến thức về pháp luật xây dựng, kiến thức phục vụ cấp chứng chỉ đào tạo về quản lý dự án, chứng chỉ hành nghề đấu thầu; giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng v.v;

  • Thực hiện các dịch vụ thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng, Tổng mức đầu tư, Dự toán xây dựng công trình; Định giá doanh nghiệp;
  • Cùng với các doanh nghiệp xử lý những vấn đề ướng mắc cụ thể về nghiệp vụ kinh tế xây dựng (giá xây dựng, định mức kinh tê-kỹ thuật, thanh quyết toán, v.v.;
  • Cung cấp và hướng dẫn áp dụng các công cụ quản lý dự án và thi công xây dựng (BIM, Phần mềm Dư toán, phần mềm quản lý tiến độ, chi phí, v.v.).

Với những hoạt động nêu trên chúng tôi  hy vọng giữa Hội KTXDVN và các DNXD sẽ tìm thấy sự phối hợp chặt chẽ, thiết thực và cụ thể để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi bên và góp phần hoàn thiện công tác quản lý ĐT&XD, bảo đảm mục tiêu và nâng cao hiệu quả đầu tư của DNXD nói riêng và phát triển ngành xây dựng nói chung.