Theo đề nghị của Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam báo cáo kinh nghiệm tham khảo của một số nước trong khu vực và thế giới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong Luật Xây dựng như sau:

  1. KINH NGHIỆM QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
  2. Trung Quốc

– Theo quy định của Trung Quốc quá trình quản lý đầu tư xây dựng nói chung và quản lý xây dựng nói riêng phải chia giai đoạn để tiến hành từng bước từ “nông đến sâu”, từ “tổng thể đến chi tiết”, được biểu thị qua các chỉ tiêu và nhất nhất tuân thủ theo nguyên tắc nói trên thường thông qua 7 bước (Bước 1: Ước toán đầu tư (U) khi đề xuất ý tưởng thiết kế dự án và thực hiện nghiên cứu tính khả thi ở giai đoạn quyết định đầu tư dự án. Bước 2: Tổng khái toán (T) bước thiết kế sơ bộ . Bước 3:Tổng khái toán điều chỉnh (TĐC) khi công trình có các hạng mục công trình có kỹ thuật phức tạp phải thực hiện bước thiết kỹ thuật.Bước 4: Dự toán (D) bước thiết kế bản vẽ thi công.Bước 5: Giá hợp đồng (G) ở giai đoạn đấu thầu hoặc giao thầu trực tiếp. Bước 6: Giá kết toán (GKT) khi thực hiện hợp đồng ở giai đoạn xây dựng.Bước 7: Giá quyết toán hoàn thành (GQT) khi nghiệm thu hoàn thành). Đối với dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp thì bao gồm 7 bước nói trên, với dự án đầu tư xây dựng thông dụng, đơn giản có thể bỏ qua bước 3. Các bước 1, 2, 4, 5, 6, 7 là thống nhất với tất cả các loại dự án đầu tư xây dựng.

– Việc xác định và quản lý giá xây dựng ở Trung Quốc dựa trên nhiều loại tư liệu phù hợp với từng bước xác định giá và mục tiêu quản lý nó và người ta gọi chung là ” tất cả các tư liệu gốc dùng để tính toán giá xây dựng ” bao gồm: Định mức giá xây dựng, suất thu chi phí, chỉ tiêu giá xây dựng, đơn giá gốc, chỉ số giá xây dựng, các luật lệ và chính sách có liên quan khác”.

+ Định mức giá xây dựng bao gồm 2 loại là Định mức dự toán (Được tính toán cho từng loại công tác xây lắp cụ thể, là căn cứ để tính giá xây dựng theo thiết kế bản vẽ thi công, mức giá xây dựng này sử dụng để tính toán giá mời thầu khi đấu thầu xây lắp công trình, ký kết hợp đồng giao nhận thầu xây lắp trong trường hợp giao thầu trực tiếp hoặc uỷ thác cho nhà thầu. Hiện nay ở Trung Quốc có 17 tập định mức dự toán ) và Định mức khái toán (Đây là một loại định mức làm cơ sở để tính toán chỉ tiêu khái toán, chỉ tiêu này làm căn cứ xác định tổng khái toán ở bước thiết kế sơ bộ đối với các công trình xây dựng. Trong trường hợp hạng mục công trình phải qua bước thiết kế kỹ thuật thì định mức này được chi tiết hơn. Định mức này được lập trên cơ sở của định mức dự toán, mức độ tổng hợp được mở rộng hơn so với định mức dự toán và là căn cứ quan trọng để khống chế vốn đầu tư (Sau ước toán đầu tư ở giai đoạn đề xuất dự án và thực hiện nghiên cứu khả thi) trong quản lý đầu tư xây dựng).

+ Chỉ tiêu giá xây dựng là loại chỉ tiêu giá xây dựng mang tính khái quát rộng, phạm vi sai số lớn, hình thức phong phú, phản ánh các chi phí về vật liệu, nhân công, máy thi công cần có theo yêu cầu của dự án đầu tư xây dựng. Thuộc loại này có các loại chỉ tiêu như : Chỉ tiêu khái toán (được xác định trên cơ sở định mức khái toán và làm căn cứ tính toán giá xây dựng ở bước thiết kế sơ bộ); Chỉ tiêu ước toán đầu tư (là một chỉ tiêu hết sức khái lược lấy công trình độc lập hoặc một dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh làm đối tượng tính toán và được biên soạn từ các dữ liệu lịch sử về dự toán hay quyết toán và sự biến động của giá cả); Chỉ tiêu vạn đồng (Là một loại chỉ tiêu thể hiện bằng hiện vật, đó là lượng tiêu hao vật tư, lao động, máy thi công tính cho một vạn đồng vốn xây lắp. Đây là loại định mức kế hoạch, cung cấp tư liệu làm căn cứ thiết lập kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm của cơ quan tổng hợp Nhà nước, các Bộ và các địa phương trong việc tính toán nhu cầu vật liệu xây dựng, ngày công lao động, số ca xe máy thi công phục vụ cho việc cân đối và phân phối tài nguyên được tốt hơn. Các Chủ đầu tư và các doanh nghiệp xây dựng có thể vận dụng loại chỉ tiêu này trong việc tổ chức cung ứng tài nguyên cho các dự án đang xây dựng hoặc các dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định đầu tư xây dựng); Suất thu chi phí (thuộc loại này thường có: Định mức chi phí trực tiếp khác trong xây lắp công trình, định mức chi phí hiện trường, định mức chi phí gián tiếp, định mức chi phí kiến thiết cơ bản khác, tỷ lệ lợi nhuận kế hoạch … ).

+ Đơn giá gốc bao gồm : Đơn giá vật liệu xây dựng (là bảng giá các loại vật liệu, cấu kiện, thành phần, bán thành phẩm … tính cho đến kho, bãi công trình); Đơn giá tiền lương (à tiền lương ngày công lao động của công nhân trực tiếp xây lắp, bao gồm: Tiền lương cơ bản, tiền thưởng, phụ cấp lương, chi phí bảo hộ, chi phí phúc lợi, lao động hợp thành ; Đơn giá ca máy thi công (là mức chi phí tính theo một ca của từng loại máy, thiết bị sử dụng trong dây chuyền thi công cơ giới); Đơn giá thiết bị (là mức giá của các loại thiết bị (nhập khẩu, sản xuất trong nước (bao gồm cả thiết bị phi tiêu chuẩn) tính đến kho, bãi của công trình)

+ Luật lệ, chính sách kinh tế có liên quan đến giá xây dựng : gồm các loại thuế suất và tiêu chuẩn thu phí do Nhà nước ban hành như: Suất thuế doanh nghiệp công trình xây dựng kiến trúc, suất thuế xây dựng đô thị, suất thuế nhập khẩu thiết bị, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiêu chuẩn hỗ trợ, bồi thường đất đai, quy định về trưng dụng đất canh tác nông nghiệp…

– Cách thức xác định giá xây dựng: Theo quy định việc xác định giá xây dựng hợp lý theo 7 bước hoặc 6 bước (tuỳ theo quy mô, tính chất, đặc điểm của dự án đầu tư xây dựng) như đã nêu trên. Tuy việc xác định giá xây dựng được quan tâm, chủ yếu ở 4 giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng với mục tiêu làm cơ sở để khống chế nó, đó là : giai đoạn quyết sách đầu tư dự án; giai đoạn thực hiện thiết kế; giai đoạn đấu thầu hoặc giao thầu xây lắp trực tiếp và giai đoạn xây dựng công trình:

– Cơ chế và các khâu chủ đạo trong tiến trình quản lý giá xây dựng :        Quản lý giá xây dựng là thực hiện điều khiển việc hình thành nó không phá vỡ hạn mức giá xây dựng được phê duyệt trong các giai đoạn: Đề suất dự án và nghiên cứu tính khả thi ® thiết kế ® đấu thầu ® giai đoạn xây dựng công trình, bảo đảm quản lý dự án đầu tư xây dựng đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế đầu tư và lợi ích xã hội đã được xác định.

Để thực hiện cơ chế quản lý giá xây dựng nói trên, các khâu chủ đạo trong tiến trình quản lý giá xây dựng ở Trung Quốc có thể tóm tắt qua nội dung sau:

– Lựa chọn kỹ lưỡng phương án đầu tư xây dựng trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, lập, thẩm định và phê duyệt “ước toán đầu tư” hợp lý có tính đến khả năng rủi ro.

– Lựa chọn đơn vị thực hiện quản lý dự án, đơn vị tư vấn, đơn vị thiết kế, thông qua tổ chức công tác mời thầu.

– Lựa chọn hợp lý tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế.

– Trên cơ sở ước toán đầu tư, triển khai giai đoạn thiết kế phù hợp với quy mô, đặc điểm, tính chất của nó, lựa chọn giải pháp ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới, vật liệu mới một cách tích cực và tối ưu hoá phương án thiết kế, lập, thẩm định và phê duyệt tổng khái toán, dự toán thiết kế bản vẽ thi công.

– Lựa chọn phương án đặt mua thiết bị và vật liệu chủ yếu thông qua công tác mời thầu cung ứng.

– Lựa chọn đơn vị thi công xây lắp thông qua công tác mời thầu xây lắp.

– Điều phối quan hệ giữa các bên có liên quan trong việc phối hợp giải quyết những vấn đề về kinh tế trong công tác xác định và quản lý giá xây dựng.

– Dựa theo khái toán thiết kế, tiến hành việc quản lý giá xây dựng ở trạng thái tĩnh và trạng thái động một cách nghiêm túc.

– Quản lý hợp đồng và làm tốt công tác kết toán các khoản chi phí phát sinh, điều chỉnh một cách sát thực tế.

– Tăng cường chế độ trách nhiệm của các Chủ đầu tư và các cấp quản lý trong việc quản lý giá xây dựng công trình. Thiết lập chế tài trách nhiệm về kinh tế gắn với việc xác lập giá xây dựng và quản lý nó trong bộ máy của tổ chức nói trên.

– Tổ chức tư vấn xã hội phải cung cấp dịch vụ tư vấn trên mọi phương diện, ở mọi vị trí trong toàn bộ quá trình xác định giá xây dựng và thực hiện quản lý nó.

– Các cơ quan có chức năng quản lý giá xây dựng nâng cao ý thức phục vụ, đẩy mạnh công tác xây dựng tư liệu thông tin về định mức, tiêu chuẩn, giá cả, tiên lượng … để cung cấp những căn cứ tin cậy cho việc tính toán xác định hợp lý giá xây dựng.

– Kết hợp một cách hữu cơ giữa kinh tế và kỹ thuật trong suốt cả quá trình đầu tư xây dựng, thông qua các biện pháp so sánh kỹ thuật, phân tích kinh tế, đánh giá hiệu quả kinh tế, xử lý chính xác mối quan hệ thống nhất đối lập giữa kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên cơ sở kinh tế hợp lý, làm cho quan niệm quản lý giá xây dựng thấm sâu vào công tác thiết kế và giải pháp kỹ thuật thi công.

– Quản lý nhà nước : Bộ Xây dựng Trung Quốc giám sát và quy định tất cả các hoạt động xây dựng ở Trung Quốc. Sự quản lý của Bộ bao trùm quy hoạch thành phố, khảo sát, thiết kế, đấu thầu, xây dựng, giám sát chất lượng và các tiêu chuẩn vật liệu…. Sự kiểm soát của Bộ trong các bộ phận của ngành rất chi tiết và cụ thể. Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhà nước sẽ thực hiện việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư.

Quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở Trung Quốc có thể chia làm 04 giai đoạn: giai đoạn quyết định đầu tư, giai đoạn thiết kế xây dựng, giai đoạn giao nhận thầu và thi công xây dựng công trình. Ở giai đoạn quyết định đầu tư bất buộc phải xác định mức đầu tư. Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, mức đầu tư này là giới hạn cho nhiệm vụ thiết kế. Giai đoạn thiết kế cần khống chế các phương án thiết kế có mức chi phí dưới mức đầu tư đã xác định. Trong giai đoạn giao nhận thầu sẽ lập giá thầu trên cơ sở khoa học, thích hợp. Trong giai đoạn thi công, quản lý chi phí sẽ thực hiện thông qua kiểm soát thay đổi thiết kế, khống ché giá trong giai đoạn hoàn công. Bộ Xây dựng Trung Quốc cũng bảo đảm nhiệm vụ thống nhất quản lý định mức và giá xây dựng trên phạm vi toàn quốc, ban hành cơ chế chính sách liên quan đến quản lý định mức, phương pháp xây dựng định mức và định mức xây dựng được áp dụngcho các dự án công trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên do đặc thù diện tích rộng lớn nên Trung Quốc cho phép các các tỉnh, thành phố ban hành cơ chế chính sách và định mức đặc thù nhưng phải phù hợp với cơ chế chính sách chung. Trường hợp việc áp dụng các định mức nhà nước ban hành không phù hợp, chủ thể được phép thay đổi nhưng phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

 Phương pháp lập dự toán xây dựng công trình được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc theo hai mô hình: lập định mức để tính giá và theo khối lượng chi tiết xác định từ công trình.

Phương pháp lập định mức để tính giá: mô hình này có thể áp dụng từ khi lập dự án đến khi hoàn thành quyết toán. Giá công trình mỗi giai đoạn đều phải căn cứ theo “quy tắc tính toán khối lượng công trình” trong định mức dự toán công trình do bộ phận chủ quản hành chính xây dựng quốc gia ban hành, đồng thời tham chiếu đơn giá vât liệu, nhân công, máy thi công, giá thiết bị theo thông báo giá của bộ phận chủ quản hành chính xây dựng cấp tỉnh ban hành và giá thị trường cùng kỳ để tính toán chi phí trực tiếp; sau đó căn cứ theo các quy định để tính các chi phí gián tiếp, lợi nhuận, thuế và tổng hợp để xác định giá xây dựng của công trình. Trình tự xác định xác định giá công trình bao gồm 02 phần là xác định khối lượng (căn cứ quy tắc thống nhất về phân chia hạng mục và cách tính toán) và tính giá.

Phương pháp tính giá theo bảng kê khối lượng chi tiết công trình: dùng khi tính giá ở giai đoạn giao thầu và thực hiện dự án. Bảng kê khối lượng chi tiết công trình là danh sách liệt kê chi tiết các hạng mục, biện pháp thực hiện và các khối lượng khác do bên do bên chào thầu căn cứ theo mã hiệu, đơn vị tính và quy tắc tính khối lượng được thống nhất trong phụ lục “Quy phạm tính giá”xác định.Tính giá theo bảng kê khối lượng chi tiết công trình là toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện khối lượng theo bảng kê chi tiết do bên chào thầu cung cấp và bên nhận thầu phải hoàn thành. Nhà thầu phải căn cứ vào năng lực, trình độ thi công của mình và giá thị trường để xác định và chào giá. Ưu điểm của phương pháp này là thể hiện được giá thị trường sản phẩm xây dựng qua báo giá của các doanh nghiệp, hình thành cơ chế thị trường và thuận lợi cho việc đấu thầu.

Trung Quốc chấp nhận phương pháp Nhà thầu chính. Nhà thầu chính chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề xảy ra trên công trường xây dựng và toàn bộ chất lượng công trình, bao gồm công việc do nhà thầu phụ của ông ta đảm nhận. Các nhà thầu được chia ra thành các nhóm khác nhau: Toà nhà, Đường cao tốc, Đường sắt, Cảng và Đường sông, Thủy điện, Điện, Mỏ, Khai khoáng, Hoá chất, Dân dụng, Hệ thống thông tin và Điện & cơ khí. Các nhà thầu xây dựng được chia thành 4 cấp: Cấp đặc biệt, Cấp 1, Cấp 2 và Cấp 3.

Các nhà thầu ở Trung Quốc có xu hướng trở nên rất lớn và thuê một tỷ lệ cao nhân công trực tiếp. Các công việc chuyên ngành được giao khoán (với sự cho phép của nhà phát triển) cho các nhà thầu phụ có đủ năng lực. Số lượng các cấp thầu phụ tương đối ít khi so với các thị trường ở Hongkong và các nước khác. Đa số các nhà thầu là công ty Nhà nước (SOEs) hoặc các chi nhánh của SOEs.

Đấu thầu cạnh tranh trở thành thông lệ được chấp nhận để lựa chọn các nhà thầu bao gồm cả các dự án của chính phủ. Tuy nhiên, lưu ý rằng đấu thầu ở Trung Quốc rất khác biệt so với các nước khác. Tất cả các cuộc đấu thầu, kể cả cho các dự án nguồn vốn tư nhân, chịu sự điều tiết của của Luật Đấu thầu của Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Luật này mong muốn quy định các hoạt động đấu thầu và bỏ thầu, duy trì và cải thiện cạnh tranh công bằng và rõ ràng, thúc đẩy hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực và tránh tham nhũng trong quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, các thủ tục cứng nhắc được quy định bởi Luật này về cơ bản lại lấy từ các quyết định do các Chủ đầu tư đưa ra và do đó rất không được các nhà phát triển tư nhân ưa thích. Quá trình đấu thầu do các cơ quan đấu thầu chuyên môn đảm nhiệm, là cơ quan soạn thảo các tài liệu và các bộ tiêu chuẩn đánh giá có tham khảo ý kiến của Chủ đầu tư. Việc trao thầu sau đó được thực hiện dựa vào các khuyến nghị của tổ chấm thầu có tối thiểu 5 thành viên mà 2/3 trong đó phải là “chuyên gia” được ngẫu nhiên lựa chọn từ danh sách tên được Uỷ ban xây dựng địa phương chấp thuận. Quá trình này phù hợp hơn cho các dự án vốn công cộng và có thể là ban đầu chỉ dành cho các dự án này. Môi giới đấu thầu là loại hình kinh doanh tương đối mới. Các hãng được MOC nhóm thành Cấp A, B và C, với Cấp A là cao nhất và không giới hạn kích thước dự án mà nó đảm nhận. Đầu năm 2008, có tổng khoảng 790 đại lý đấu thầu cấp A ở Trung Quốc.

Thiết kế của tất cả các công trình xây dựng phải được trình phê duyệt của Viện Thiết kế địa phương có đủ năng lực. Đây là những cơ quan đa chức năng, thường mạnh tới vài nghìn người, cung cấp các thiết kế cho các dự án địa phương. Đầu năm 2008, có khoảng 5.600 Viện thiết kế địa phương ở Trung Quốc. Đa số các viện này tìm việc độc lập trong khi một số lại gắn với các bộ, các doanh nghiệp lớn hoặc chính quyền địa phương. Các mức chi phí chính thức cũng tồn tại nhưng đấu thầu tự do cạnh tranh cũng trở thành thông lệ được chấp nhận ngày nay. Điển hình là các chi phí sẽ ở mức 2,5% của chi phí xây dựng.

Bất kỳ kiến trúc sư và kỹ sư nước ngoài nào làm việc trong một dự án ở Trung Quốc pảhi làm việc với Viện thiết kế địa phương do chỉ có họ mới có quyền nộp bản vẽ cho cơ quan địa phương để phê duyệt. Thêm vào đó, kiến trúc sư và kỹ sư địa phương cũng phải cân Viện thiết kế địa phương để hỏi họ về Quy chuẩn thiết kế và xây dựng của Trung Quốc và kỹ thuật nào và vật liệu nào được sử dụng ở địa phương. Dàn xếp chung nhất là thuê kiến trúc sư và kỹ sư nước ngoài để tiến hành thiết kế ban đầu và thiết kế sơ bộ cho dự án. Viện Thiết kế địa phương có thể được thuê bởi kiến trúc sư/kỹ sư hoặc được thuê trực tiếp bởi chủ đầu tư để hỏi về Quy chuẩn quy hoạch và xây dựng và đưa ra đệ trình cần thiết. Viện Thiết kế địa phương sau đó sẽ chuyển bản thiết kế này để tạo ra bản vẽ xây dựng cho nhà thầu để tiến hành các công việc của ông ta. Bản vẽ xây dựng ở Trung Quốc chi tiết hơn ở Hongkong hoặc nhiều nước khác.

Các Viện thiết kế địa phương thường không thực hiện các nghĩa vụ giám sát của công trình xây dựng. Theo hệ thống cộng sản, Viện Thiết kế dịa phương và các nhà thầu có vị trí như nhau và họ hầu như phân chia công việc cần thiết của một dự án xây dựng: Viện Thiết kế địa phương thiết kế và nhà thầu xây dựng. Sự thoả thuận được thực hiện tốt khi tất cả các dự án được cấp vốn công cộng và mọi người làm việc cho Nhà nước. Khi thị trường mở ra vào những năm 1980, MOC nhận ra sự thiếu hụt giám sát cho các công trình của Nhà thầu. Điều này làm nổi lên nghề giám sát xây dựng. MOC quy định rằng tất cả các công trình xây dựng mới và các công trình thay thế lớn phải được giám sát bởi một hãng giám sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực, hãng này được giao vai trò giám sát nhà thầu và giám sát chất lượng công trình được thực hiện. Người giám sát xây dựng báo cáo Vụ quản lý chất lượng của MOC. Các hãng giám sát chất lượng được phân thành 3 cấp: Cấp A, B và C, nhóm A là cao nhất. Đầu năm 2008, có xấp xỉ 1.220 các hãng giám sát xây dựng cấp A ở Trung Quốc.

Việc kiểm soát chi phí có thể được tiến hành bởi những người giám sát xây dựng hoặc bởi kỹ sư chi phí xây dựng. Kỹ sư chi phí xây dựng tương đương với kỹ sư giám sát khối lượng trong hệ thống của Anh. Các hãng kỹ thuật chi phí địa phương có xu hướng địa phương hoá và tiến hành các nhiệm vụ cụ thể để trình nộp theo các quy định địa phương (ví dụ: dự toán ban đầu, bảng khối lượng hoặc đánh giá quyết toán) mặc dù các hãng lớn hơn một chút chấp nhận phương pháp toàn bộ kiểu Anh. Số lượng các hãng giám sát khối lượng quốc tế, đa phần là chi nhánh từ các hãng ở Hongkong, cũng hoạt động tích cực trên thị trường Trung Quốc. Các hãng giám sát khối lượng Hongkong đã làm việc ở Trung Quốc từ đầu những năm 1980 và chính họ đã giới thiệu khái niệm đấu thầu cạnh tranh và kiểm soát chi phí cho Trung Quốc. Tất cả các hãng giám sát khối lượng Hongkong đều đưa ra các dịch vụ đầy đủ như là họ làm ở Hongkong. Các dự án được tiến hành bởi các hãng giám sát khối lượng không chỉ bao gồm những hãng của các nhà đầu tư nước ngoài mà còn cả các dự án của các nhà đầu tư phát triển trong nước và các tập đoàn nửa nhà nước. Các hãng giám sát khối lượng quốc tế thường hoạt động ở Trung Quốc trong liên doanh với các hãng địa phương hoặc dưới giấy phép trao cho dự án trên cơ sở dự án. Trong năm 2007, chính phủ ban hành Điều khoản quản lý Các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật đầu tư nước ngoài (Nghị định 155), cho phép thành lập các hãng giám sát khối lượng 100% vốn nước ngoài hành nghề tại Trung Quốc miễn là họ đáp ứng cùng những yêu cầu như được quy định cho các hãng trong nước. Việc thuê giám sát khối lượng là không bắt buộc, nhưng đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, viẹc thuê giám sát khối lượng quốc tế là sự tái bảo hiểm các thoả thuận về đấu thầu và hợp đồng vốn có thể phức tạp hoặc có thể trở nên bất thường.

Một trong những luật quan trọng nhất liên quan tới ngành xây dựng Trung Quốc phải là Luật Xây dựng của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có hiệu lực từ 1/3/1998. Luật xây dựng quy định các hoạt động xây dựng phải được tiến hành như thế nào. Nó cũng yêu cầu cụ thể người thuê lao động và nhà thầu của dự án xây dựng tham gia vào hợp đồng bằng văn bản, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của hai bên. Tuy nhiên, hình thức hợp đồng đwocj sử dụng thì không được đưa ra. Hình thức hợp đồng tiêu chuẩn địa phương phổ biến nhất là Hình thức chuẩn của Hợp đồng xây dựng Trung Quốc số GF_1999-0201 do Cục quản lý Công thương và Bộ Xây dựng Trung Quốc ban hành. Các phiên bản được địa phương hoá được các sở xây dựng các tỉnh ban hành cũng có giá trị. Những hợp đồng này phải được sử dụng với sự cẩn trọng vì phân bổ rủi ro và trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu khác nhau khá rộng với những hình thức tiêu chuẩn phổ biến khác như JCT, HKIA hay FIDIC bắt nguồn từ các nước khác. Trong tất cả các hình thức chuẩn nước ngoài được giới thiệu vào Trung Quốc, Các điều kiện hợp đồng cho việc thi công công trình Dân dụng của FIDIC có sự chấp nhận rộng rãi nhất. FIDIC cũng có bản dịch chính thức tiếng Trung tạo thuận lợi cho việc sử dụng khi tất cả các hợp đồng ở Trung Quốc phải được dịch sang tiếng Trung vì mục đích đăng ký.

Lưu ý rằng Trung Quốc có thuế doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các giao dịch dịch vụ và công trình. Thuế giá trị gia tăng được áp dụng cho việc mua bán vật liệu và thiết bị. Thuế doanh nghiệp cho dịch vụ chung là 5% trong khi thuế cho công trình xây dựng là khoảng 3%. Các nhà thầu trả thuế giá trị gia tăng cho vật liệu và thiết bị được mua cộng với thuế doanh nghiệp xây dựng bổ sung trên tổng thanh toán nhận được từ chủ đầu tư. Đối với các thiết bị được liệt kê cụ thể được chủ đầu tư trực tiếp mua, nhà thầu sẽ chỉ thanh toán cho khoản thuế giá trị gia tăng. Các thoả thuận hợp đồng sẽ có tác động tới tổng lượng thuế phải trả và do đó chúng phải lên được kế hoạch và sắp xếp.

Khi tranh chấp hợp đồng, nếu có, phụ thuộc vào các điều khoản hợp đồng, hình thức phán xử của trọng tài hoặc hoà giải sẽ được sử dụng. Phán xử của trọng tài ở Trung Quốc chịu sự chi phối của Luật Trọng tài của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Hội đồng Trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (CIETAC) là hội đồng trọng tài chính để lắng nghe tranh cãi với có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên nếu mong muốn có được trọng tài bên ngoài đại lục, lựa chọn phổ biến bao gồm Trung tâm trọng tài quốc tế Hongkong, Phòng thương mại Stockholm và Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore. Mặc dù phán xử của trọng tài là phổ biến ở Trung Quốc, vẫn có xu hướng mạnh mẽ là giải quyết tranh cấp không nhờ đến trọng tài hoặc kiện tụng. Hoà giải chiếm vai trò nổi bật trong xã hội và văn hoá Trung Quốc và luôn luôn được sử dụng khi tranh chấp nổi lên từ các hợp đồng kinh doanh Trung Quốc – Nước ngoài.

Việc xử lý quy hoạch và bản vẽ xây dựng được kiểm soát bởi các cơ quan quy hoạch tương ứng ở các thành phố và tỉnh. Thiết kế chi tiết công trình phải tuân theo Quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế do Ministry Commision tương ứng nằm trong Hội đồng Nhà nước ban hành. Dưới đây là một số quy chuẩn và tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến trong xây dựng:

Luật Xây dựng của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cũng nhấn mạnh việc kiểm soát xây dựng và chất lượng xây dựng. Luật xây dựng đòi hỏi rằng, trước khi khởi công xây dựng, giấy phép xây dựng phải có được từ cơ quan hành chính chịu trách nhiệm về xây dựng cho chính quyền địa phương ở cấp huyện hoặc cao hơn. Giấy phép xây dựng được trao chỉ sau có phê duyệt quy hoạch và phát triển và cung cấp bằng chứng nguồn vốn cho dự án, giải thích rằng thiết kế được phát triển và các bản vẽ đã được chuẩn bị, các thủ tục về chất lượng và an toàn phải được cân nhắc. v.v…. Giấy phép xây dựng thường được phát hành trong 15 ngày nếu việc xin giấy phép đáp ứng được các điều kiện. Tuy nhiên, xây dựng phải bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ khi nhận được giấy phép, nếu không giấy phép sẽ trở thành vô hiệu. Để đảm bảo bảo hành chất lượng của công trình xây dựng mà thiếu nhà thầu chính được chỉ định, Luật xây dựng cấm chia công trình thành các gói do các nhà thầu khác nhau tiến hành.

2.Tại Mỹ

Tại Mỹ, cơ cấu chính phủ được phân cấp tới các bang, thành thị, và nông thôn và mỗi một bộ phận đều có hệ thống riêng để quản lý và điều hành các dự án xây dựng. Ngoài ra, cũng có nhiều tổ chức tư nhân có dự án về hạ tầng (như đường bộ và đường cao tốc). Những tổ chức này được biết tới như là các chủ đầu tư của dự án.

Chủ đầu tư sẽ thuê một công ty tư vấn tư nhân và độc lập hoặc một công ty thiết kế và kiến trúc chịu trách nhiệm thiết kế dự án. Một công ty quản lý xây dựng có kinh nghiệm cũng sẽ được thuê để đóng góp những kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong quá trình thiết kế, quản lý dự án, và tổ chức thi công và đặc biệt lá trong quản lý chi phí.

Dự toán chi phí đầu tư các dự án chính phủ được thực hiện bởi Chuyên gia tiên lượng độc lập (Indipendant Estimator) mà không phải là thành viên của các công ty tư vấn, thiết kế kiến trúc (A-E) và quản lý xây dựng. Chuyên gia tiên lượng độc lập này trực thuộc chủ đầu tư. Dự án sẽ được thiết kế sau khi chi phí đầu tư do chuyên gia tiên lượng độc lập chuẩn bị được phê duyệt bởi chủ đầu tư. Một khi đã được phê duyệt chi phí này sẽ không được tăng lên, vì thế các Công ty thiết kế sẽ phải thiết kế dự án với chi phí không vượt quá chi phí đã được chấp thuận bởi chủ đầu tư. Trong trường hợp dự toán thiết kế vượt quá chi phí đã được chủ đầu tư phê duyệt thì dự án sẽ phải thiết kế lại. Trong quá trình thiết kế, các chuyên gia tiên lượng của các công ty tư vấn, thiết kế và kiến trúc sẽ tính toán chi phí của dự án, và chí phí này sẽ được Chuyên gia tiên lượng độc lập kiểm tra lại. Khi thiết kế chi tiết đã được hoàn thiện chuyên gia tiên lương độc lập với sự hỗ trợ của công ty quản lý về xây dựng sẽ lập dự toán chi phí xây dựng (ECCA) và dự toán chi phí này sẽ là cơ sở để đánh giá hồ sơ đấu thầu của các nhà thầu.

Ở Mỹ không có nhà thầu thuộc quản lý của nhà nước vì thế các dự án chính được tổ chức đấu thầu ở lĩnh vực tư nhân. Dự án sẽ được trao cho các nhà thầu thắng thầu có thể là nhà thầu chính hoặc nhà thầu chuyên ngành. Sau khi hợp đồng xây dựng đã được kí kết, quy trình quản lý chi phí sẽ được xây dựng để kiểm soát chi phí trong giai đoạn thi công. Do hệ thống quản lí ở Mỹ được được phân cấp cho nên bên cạnh những qui định chung đã nói ở trên thì mỗi cơ quan chính phủ (chủ đầu tư) sẽ có quy trình quản lí chi phí riêng của họ.

Không có Phương pháp chuẩn tính khối lượng (Standard Method of Measurement) nhất định được sử dụng như một công cụ cho các mục đích dự toán chi phí ở Mỹ. Do vậy khó có thể xem xét và so sánh đơn giá và khối lượng cho các hạng mục cụ thể bởi vì không có một phương pháp luận tiêu chuẩn nào để mô tả những gì nên bao hàm trong một đơn giá. Mặc dù vậy thì chi phí các dự án nhà nước được xác định bằng cách sử dụng các dữ liệu thu thập được từ các dự án tương tự và áp dụng các nghiên cứu về thị trường. Chi phí cho những dự án tương tự nhau sẽ được thu thập và biên tập thành các cơ sở dữ liệu cho mỗi một cơ quan chính phủ để áp dụng.

Để xác định dự toán chi tiết, dự án sẽ được bóc tách thành các biểu khối lượng và sau đó sẽ thực hiện việc khảo sát hiện trường để xây dựng đơn giá bao gồm nhân công, vật liệu và máy móc. Công ty tư vấn thiết kế và kiến trúc sẽ thực hiện khảo sát thị trường bao gồm tất cả các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí xây dựng của dự án như là việc vận chuyển vật liệu, chế tạo, nhà máy sản xuất bê tông, trình độ lao động, lắp đặt thiết bị, vv….Việc khảo sát thị trường sẽ cho phép các dự án thuộc chính phủ có đơn giá cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của dự án bởi vì tất cả những nhà thầu đều là nhà thầu tư nhân rất am hiểu về giá cả thị trường.

Để kiểm soát chi phí cho một dự án cần phải thiết lập một chương trình quản lý chi phí một cách chi tiết. Các mốc chi phí dự án được xác định để so sánh với chi phí tại thời điểm hiện tại của dự án và để dự báo về chi phí của dự án trong tương lai. Việc làm này sẽ giúp chủ đầu tư theo dõi được chi phí của dự án. Thanh toán dựa trên đánh giá hàng tháng về các công việc của nhà thầu được tính toán dựa trên khối lượng và đơn giá hợp đồng có nghĩa là các công việc sẽ được thanh toán hàng tháng trên cơ sở khối lượng đo đạc thực tế. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi các công việc trong dự án thì những thay đổi này đầu tiên sẽ được định giá bởi Chuyên gia tiên lượng độc lập sử dụng biểu khối lượng và đơn giá thích hợp. Trong trường hợp mà công việc không thể định giá được bằng biểu khối lượng Chuyên gia tiên lượng độc lập sẽ đánh giá dựa trên giá hợp lý thấp nhất chứ không cần thiết phải là giá thấp nhất. Chuyên gia tiên lượng độc lập sẽ lập dự toán cho việc thay đổi hợp đồng trước khi gửi đề xuất cho nhà thầu. Nếu nhà thầu chấp thuận đề xuất này thì lệnh thay đổi (Change Order) sẽ được phát hành. Trong trường hợp chậm tiến độ, nhà thầu có thể yêu cầu kéo dài thời gian, tuy nhiên việc này phải được Giám đốc quản lý xây dựng (Construction Manager ) xem xét và chi phí phát sinh từ việc kéo dài thời gian sẽ được phê duyệt bởi Chuyên gia tiên lượng độc lập.Quy trình quyết toán ở giai đoạn cuối hợp đồng sẽ được thực hiện khi tất cả những thay đổi chính được hoàn tất và thoả thuận trong quá trình thực hiện hợp đồng.

  • Hệ thống giá xây dựng xác định theo hệ tiêu chuẩn Mỹ (gồm: Mỹ, Thái lan, Singapor …):

Tại Mỹ và một số nước theo hệ tiêu chuẩn Mỹ, các cơ quan Nhà nước không tổ chức xây dựng và ban hành các định mức, tiêu chuẩn chi phí thống nhất làm cơ sở xác định giá xây dựng các dự án đầu tư xây dựng, Tất cả các loại định mức, tiêu chuẩn chi phí … dùng để xác định giá xây dựng thường do các Công ty tư vấn giá xây dựng có danh tiếng biên soạn và cung cấp. Tổ chức tư vấn ở các địa phương thì căn cứ vào đặc điểm của khu vực mình đang hoạt động mà biên soạn chỉ tiêu giá xây dựng tính trên một fút vuông, fút khối nhà và công trình (Square foot estimeting) để làm tiêu chuẩn gốc dự trù ngân quỹ dự án đầu tư do mình quản lý. Ngoài ra, riêng ở Mỹ, chính quyền các Bang và một số địa phương, các cấp khác có thể căn cứ vào dữ liệu giá xây dựng do họ tự tổ chức tích luỹ hoặc khai thác ở các Công ty tư vấn để biên soạn định mức và tiêu chuẩn tính giá xây dựng ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. Nói chung, hầu như mức giá xây dựng ở giai đoạn này của tất cả các loại dự án đầu tư xây dựng, chủ yếu do các Công ty tư vấn giá xây dựng xác định cho nhà đầu tư trên cơ sở số liệu lịch sử từ các dự án đã đầu tư xây dựng thông qua hệ số quy mô về tổng công suất, tổng diện tích hay khối tích của dự án đầu tư xây dựng dự kiến và dự án đã được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, còn tính đến đặc diểm riêng của khu vực xây dựng công trình dự kiến và sự biến động giá cả theo thời gian … . Hoặc nhiều dự án đầu tư họ sử dụng bảng giá tính sẵn theo fút vuông, fút khối và các yếu tố ảnh hưởng đến giá xây dựng như đã nói ở trên để xác định.

Một trong số các Công ty tư vấn giá xây dựng ở Mỹ là Công ty Means (R.S Means company, inc) thực hiện việc cung cấp các thông tin, dữ liệu, bảng giá làm cơ sở xác định giá xây dựng không chỉ cho tất cả các Bang của nước Mỹ mà còn cho cả nước bên cạnh nước Mỹ là Canađa. Các tư liệu làm căn cứ xác định giá xây dựng mà Công ty Means thường xuyên công bố gồm:

+ Đơn giá tính theo fút vuông và fút khối (.S.F & CF Unit prices).

+ Đơn giá xây dựng tổng hợp (Assembly).

+ Đơn giá xây dựng chi tiết (Unit prices).

Ngoài ra còn có chi phí đơn vị (Unit cost) và những khoản mục chi phí khác được tính trong giá xây dựng (chi phí thầu phụ, phụ phí, lợi nhuận …), các loại chi phí này được nhà thầu xác định cho mình hoặc do tổ chức tư vấn quản lý giá xây dựng xác định cho chủ đầu tư, nó được sử dụng để tính chi phí ở giai đoạn xây dựng công trình.

* Đơn giá tính theo fút vuông, fút khối:”Đơn giá này làm cơ sở xác định giá xây dựng khi mà công trình có kích thước gần đúng đã được xác định, mức giá này được tính trên cơ sở giá xây dựng của hàng nghìn công trình xây dựng đã hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định

* Đơn giá xây dựng tổng hợp: “Việc sử dụng đơn giá xây dựng tổng hợp để xác định giá xây dựng cho các giải pháp thiết kế khác nhau, nó cho phép nhanh chóng tìm ra được mức chênh lệch chi phí giữa các giải pháp thiết kế, qua đó Chủ đầu tư cũng nắm được mức vốn cần thiết cho công trình trước khi thiết kế bản vẽ thi công công trình”.

“Đơn giá xây dựng tổng hợp là một tổ hợp các chi phí tính cho một nhóm các loại công tác xây lắp hoặc các công việc quy vào một danh mục đơn giá để tính giá xây dựng. Đơn giá xây dựng tổng hợp là tổng của các đơn giá xây dựng chi tiết của nhóm công tác xây lắp đó”.

* Đơn giá xây dựng chi tiết.

” Đơn giá xây dựng chi tiết là cơ sở cho việc xác định giá xây ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công. Mức giá này giúp Chủ đầu tư có căn cứ để đánh giá các mức giá dự thầu của nhà thầu, đồng thời là căn cứ để nhà thầu có thể sử dụng xác định mức giá dự thầu của mình khi đấu thầu”.

Bảng đơn giá xây dựng do Công ty Means công bố được phân chia thành 16 nhóm theo loại công tác xây lắp chủ yếu, trong mỗi nhóm gồm đơn giá tính cho tất cả các loại công tác xây lắp cụ thể, thể hiện yêu cầu kỹ thuật, điều kiện và biện pháp thi công đối với từng kết cấu xây lắp cấu tạo nên công trình.

Trong đơn giá xây dựng chi tiết tính cho một loại công tác xây lắp, bao gồm các khoản mục chi phí về vật liệu, nhân công, máy thi công. Ngoài ra nó còn được mã hoá thống nhất theo hệ mã “số “, mỗi loại công tác xây lắp được xác định theo đơn vị tính phù hợp. Trong đó, còn quy định cả đội thợ với năng suất lao động tính cho một ngày và một giờ (việc quy định đội thợ này làm căn cứ tra cứu bảng tiền lương ngày công hay giờ công đã được tính sẵn để xác định chi phí nhân công trong đơn giá công tác xây lắp tương ứng …)

Một số nước khác sử dụng hệ tiêu chuẩn Mỹ (Thái lan, Singapor …), đều sử dụng các bảng giá và hướng dẫn sử dụng kèm theo của Công ty này công bố làm căn cứ xác định giá xây dựng ở các giai đoạn này. Trong tính giá xây dựng, họ sử dụng hai loại tiền là đô la Mỹ và đồng nội tệ của họ quy đổi theo tỷ giá so với đồng đô la Mỹ và tính đổi hệ đo lường theo hệ Mỹ sang hệ đo lường quốc tế.

  1. Tại Anh

Tại Anh, các dự án của Chính phủ có các tổ chức đóng vai trò chủ đầu tư quản lý các dự án chuyên ngành (đường cao tốc được quản lý bởi cơ quan quản lý đường cao tốc, đường sắt được quản lý bởi cơ quan quản lý giao thông, các dự án năng lượng được quản lý bởi cơ quan Năng lượng nguyên tử Anh, Dầu khí được quản lý bởi Dầu khí Anh, các dự án cấp thoát nước được quản lý bởi cơ quan môi trường, các dự án cảng hàng không được quản lý bởi cơ quan quản lý cảng hàng không…). Ngoài ra còn có các tổ chức tư nhân khác (Công ty, các Quỹ đầu tư) làm chủ đầu tư các dự án của mình.

Đối với các dự án của Chính phủ, chủ đầu tư uỷ nhiệm cho Kỹ sư chuyên ngành và Kiến trúc sư là công ty tư nhân (hoặc nhà nước lựa chọn) để phác thảo dự án và thiết kế phác thảo. Trong giai đoạn này, Kỹ sư chuyên ngành, Kiến trúc sư được hỗ trợ bởi Tư vấn thiết kế và Tư vấn quản lý chi phí là các công ty tư nhân. Các công ty này do Kỹ sư chuyên ngành, Kiến trúc sư giới thiệu cho chủ đầu tư lựa chọn. Khái toán chi phí được tính trên đơn vị m2 để xác định ngân sách dự án và được Tư vấn quản lý chi phí tính toán dựa trên các thông tin cơ bản về dự án, diện tích mét vuông sàn.

Khi ngân sách được duyệt, thiết kế sơ bộ sẽ được trình cho chủ đầu tư, Tư vấn quản lý chi phí lập dự toán sơ bộ mô tả ngân quỹ xây dựng sẽ được chi tiêu như thế nào. Dự toán sơ bộ được xác định dựa trên thiết kế do đó, Dự toán sơ bộ đưa ra mục tiêu chi phí cho mỗi người trong nhóm thiết kế. Khi các quyết định về thiết kế được đưa ra, Tư vấn quản lý chi phí sẽ lập dự toán và dự toán này có liên quan đến dự toán sơ bộ đã được duyệt. Nếu bị vượt quá dự toán sơ bộ được duyệt, dự toán sơ bộ hoặc thiết kế sẽ bị báo động. Chi phí dự phòng trong dự toán sơ bộ sẽ giúp giải quyết các vấn đề xảy ra. Mặc dù vậy, thường thì ít khi gặp những thay đổi trong ngân sách hoặc thiết kế sơ bộ trong giai đoạn thiết kế thi công. Khi xong thiết kế thi công, Tư vấn quản lý chi phí sẽ lập Biểu Khối lượng bao gồm chi tiết tất cả các hạng mục công việc theo yêu cầu thiết kế. Biểu Khối lượng sẽ được bỏ giá và sau đó sẽ được sử dụng để phân tích Hồ sơ thầu của các Nhà thầu.

Ngân sách được xác định dựa trên phác thảo dự án bằng cách tính toán diện tích sàn xây dựng và sau đó áp giá trên một mét vuông diện tích sàn xây dựng. Tư vấn quản lý chi phí có một ngân hàng dữ liệu giá trên một mét vuông diện tích sàn xây dựng cho các loại công trình xây dựng khác nhau và giá được dựa trên các hệ số tiêu chuẩn như hệ số sử dụng đất, hệ số diện tích lưu thông, hệ số diện tích sử dụng chung v.v.

Khái toán được xác định dựa trên thiết kế phác thảo hoặc thiết kế sơ bộ. Bản khái toán này sẽ xem xét thông số, các hệ số để dự tính chi phí cho, ví dụ, mặt tiền hay khu vực lưu thông. Các thông số này có thể sử dụng để phát triển dự toán một cách cụ thể hơn.

Khi thiết kế được triển khai, các chi tiết thiết kế được cung cấp và dự báo chi phí xây dựng được xác định bởi Tư vấn quản lý chi phí. Dựa trên thiết kế chi tiết và bản vẽ sơ bộ, khối lượng và đơn giá được lập để thực hiện Dự toán sơ bộ (cost plan) – cung cấp thông tin chi tiết về các yếu tố của dự án.

Các dữ liệu chi phí quan trọng, được sử dụng để lập ngân sách, dự báo, dự toán sơ bộ lấy từ Biểu Khối lượng và đơn giá của dự án được đấu thầu trước đây. Tư vấn quản lý chi phí cũng sử dụng cả chỉ số giá để lập, xác định sự khác nhau về giá ở các địa phương và biến đổi giá theo thời gian về nhân công, máy móc, vật liệu. Đây là công cụ quản lý chi phí chủ yếu của Tư vấn quản lý chi phí với mục đích đánh giá ngân sách và lập dự toán.

Tại Anh, Tư vấn quản lý chi phí rất giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, họ sử dụng nguồn dữ liệu được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và các dự án tương tự đã có nghiên cứu giá thị trường vật liệu, nhân công, máy móc để lập dự toán ngân sách và chi phí xây dựng, được sử dụng làm cơ sở đánh giá hồ sơ thầu. Phương pháp luận của hệ thống quản lý chi phí xây dựng của Anh là liên tục cải tiến dự toán chi phí dự án dựa trên mức độ chi tiết của thiết kế đưa ra, do đó, việc phân tích chi phí được triển khai từ tính toán trên m2, chi phí cơ bản đến Bảng khối lượng chi tiết.

Sau khi trao thầu xây dựng, quy trình quản lý chi phí được thiết lập để kiểm soát giá trong quá trình xây dựng được tiến hành bởi Tư vấn quản lý chi phí.

Tại Anh, trong giai đoạn sau khi ký kết hợp đồng xây dựng, phương pháp kiểm soát chi phí được sử dụng là phương pháp xác định mốc ngân sách và dự báo ngân sách. Mốc ngân sách được lập bởi Tư vấn quản lý chi phí. Mốc ngân sách được dùng để so sánh ngân sách ở thời điểm hiện tại và dự báo cho các giai đoạn trong tương lai. Mốc ngân sách này sẽ được cập nhật bất cứ khi nào có sự thay đổi quan trọng (các phát sinh), và được cập nhật hàng tháng.

Thanh toán cho Nhà thầu thường được dựa trên các đánh giá hàng tháng về khối lượng công việc thực hiện theo tính toán của nhà thầu và đơn giá và kiểm tra bởi Tư vấn quản lý chi phí.Trong trường hợp có những thay đổi được thực hiện theo yêu cầu công việc nhà thầu sẽ nhận được hướng dẫn cho lệnh thay đổi này, giá trị thay đổi được thoả thuận giữa nhà thầu và tư vấn chi phí quản lý. Những lệnh thay đổi có thể đã được thoả thuận trong biểu khối lượng.

  • Hệ thống giá xây dựng theo hệ tiêu chuẩn Anh: (gồm Anh, Úc, Hồng Kông, Sri Lanka…):

Đối với tất cả các dự án đầu tư do Nhà nước đầu tư xây dựng ở nước Anh và một số nước theo hệ tiêu chuẩn Anh thì các Chủ đầu tư của Nhà nước đều áp dụng căn cứ xác định giá thống nhất trên cơ sở các quy định về tiêu chuẩn diện tích xây dựng và các chỉ tiêu giá xây dựng trên một đơn vị diện tích, khối tích hay một đơn vị công suất … . Các chỉ tiêu giá xây dựng nói trên do các cơ quan của Chính phủ, của các thành phố lập và thông qua Bộ Tài chính chấp nhận để áp dụng. Đối với các dự án khác, mức giá xây dựng do tổ chức tư vấn quản lý xây dựng chuyên nghiệp xác định giúp cho nhà đầu tư, chủ yếu dựa vào số liệu lịch sử của các dự án tương tự đã được đầu tư xây dựng, có tính đến đặc điểm riêng của khu vực sẽ xây dựng công trình tương lai và mức biến động giá cả theo thời gian … Tóm lại, giá xây dựng xác định ở giai đoạn này có thể dựa vào các căn cứ sau: Giá xây dựng của các công trình tương tư đã xây dựng, chỉ tiêu suất đầu tư, giá tính theo fút vuông, fút khối.

Ở nước Anh và các nước theo hệ tiêu chuẩn Anh như Úc, Hồng Kông, Sililanka … đều không có hệ thống định mức dự toán thống nhất, không có các bảng đơn giá xây dựng chi tiết riêng do cơ quan có thẩm quyền Nhà nước ban hành như ở Trung Quốc, Việt nam để làm cơ sở xác định giá xây dựng.

Việc xác định giá xây dựng dựa vào “Phương pháp tiêu chuẩn tiên lượng các công trình xây dựng, được gọi tắt là SMM (Standar Method of Measurement of Building Woks) do “Hội khoa học trắc lượng Hoàng gia” tổ chức biên soạn, sau khi được các tổ chức có liên quan đồng tình thừa nhận, nó đã được sử dụng rộng rãi trong toàn nước Anh và các nước khác theo hệ tiêu chuẩn Anh.

Các nhà tư vấn giúp Chủ đầu tư hoặc kỹ sư kinh tế xây dựng của nhà thầu đều sử dụng các nội dung hướng dẫn trong khuôn khổ của SMM để xác định giá xây dựng làm căn cứ để xác định giá mời thầu hoặc tham khảo khi xác định giá dự thầu trong đấu thầu. Hiện nay họ đang sử dụng “Phương pháp tiêu chuẩn tiên lượng các công trình xây dựng” xuất bản lần thứ 7 (SMM7) với kết cấu, nội dung chủ yếu gồm 16 công tác (phần mở đầu và chi phí ban đầu (Preliminaries – SMM7 Section A), công tác đào đất và đắp đất (Excavation and filling – SMM7 Setions D2), công tác bê tông (Concrete – SMM7 Sections E11, E20, E30, F31) …, lắp đặt hệ thống điện (Electrical work – SMM7 Sections V, P31).

Nội dung cụ thể quy định trong một nhóm công tác của SMM7 bao gồm:Giới thiệu về yêu cầu kỹ thuật; Cách tính các hao phí về vật liệu, nhân công, máy thi công phù hợp với đơn vị tính của một loại công tác xây lắp; Cách thức tính đơn giá đầy đủ (gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công, lợi nhuận và phụ phí 20%) phù hợp với đơn vị tính của một loại công tác xây lắp. Trong đó, giá vật liệu, đơn giá giờ công, giờ máy thi công tính theo mức giá trên thị trường ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng.

Việc xác định giá xây dựng ở bước thiết kế kỹ thuật cho từng hạng mục công trình có kỹ thuật phức tạp chủ yếu dựa vào bảng giá tính cho từng bộ phận kết cấu của công trình hay còn gọi là đơn giá xây dựng tổng hợp (Assembly), nó được xác định trên cơ sở của SMM7 và phù hợp với từng nhóm bộ phận kết cấu cụ thể trong 12 phần bộ phận kết cấu của công trình (phần móng (Foundations), kết cấu hạ tầng phiá dưới công trình (Substruetures), phần thân (Superstructures)…, các công việc phục vụ hiện trường (Site work))

* Các khoản mục chi phí khác trong giá xây dựng : ngoài khoản mục chi phí trực tiếp trong giá xây dựng xác định trên cơ sở đơn giá xây dựng (tổng hợp hoặc chi tiết), trong mức giá xây dựng còn bao gồm các khoản mục chi phí sau:

Chi phí tính cho các thầu phụ thực hiện các công tác được giao thầu lại (Subcontracts).

Phụ phí (Job overhead) tính bằng tỷ lệ % trên tổng chi phí trực tiếp (gồm cả các chi phí trực tiếp giao thâù lại) tuỳ theo loại công trình xây dựng. Đối với công trình xây dựng tỷ lệ này thường trong khoảng trên dưới 4%.

Chi phí lán trại, văn phòng (Home office expence) thường tính bằng tỷ lệ trên dưới 7% tổng chi phí trực tiếp và phụ phí.

Lợi nhuận (Profit): Tính bằng 10% trên tổng chi phí trực tiếp, phụ phí và chi phí lán trại, văn phòng.

Thông qua công việc quản lý giá xây dựng, cho phép các nhà quản lý có được số liệu về giá xây dựng hiện hành của công trình, so sánh chúng với mức chi phí tiêu chuẩn và thực hiện các biện pháp quản lý bảo đảm cho mức giá xây dựng nằm trong khuôn khổ cho phép. “Những tác động qua lại có liên quan đến giá xây dựng đều được các nhà quản lý giá xem xét một cách cẩn thận để cho dự án đầu tư xây dựng mang lại giá trị cao nhất cho Chủ đầu tư và được thực hiện trong một khung thời gian kinh tế nhất”.

  1. Tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản có các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước (công trình công cộng) và các dự án đầu tư xây dựng của tư nhân (các tập đoàn, công ty làm chủ đầu tư). Các Bộ, ví dụ như Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) thiết lập các bộ phận quản lý vùng và các hệ thống chỉ tiêu, định mức kinh tế – kỹ thuật để quản lý chi phí các dự án đầu tư xây dựng do MLIT làm chủ đầu tư cụ thể như sau:

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, trình tự cơ bản để thực hiện bao gồm các giai đoạn : Lập Kế hoạch và Nghiên cứu – Điều tra, lập dự án – Thiết kế – Dự toán công trình – Thi công – Quản lý và Bảo trì.

Phương pháp xác định dự toán chi phí (Estimated Cost) và giá gói thầu (Target Price) đối với các công trình công cộng gồm:

– Dự toán chi phí (Estimated Cost): dự toán chi phí được xác lập phụ thuộc vào kinh nghiệm của Kỹ sư (cùng loại công trình có thể khác nhau tuy thuộc người chịu trách nhiệm) và nội dung cấu thành cũng có thể cũng không thống nhất. Yêu cầu đối với việc xác lập dự toán là bảo đảm, nâng cao tính minh bạch, khách quan và hợp lý cũng như bảo đảm hiệu quả, hợp lý của dự toán. Dự toán chi phí được xác định cũng phải đáp ứng tính thống nhất của các tiêu chuẩn dự toán chi phí, hệ thống hóa các công tác dự toán (hệ thống hóa các loại công tác xây dựng),vi tính hóa dự toán (xây dựng các hệ thống dự toán) và cải thiện phương thức xác định dự toán.

Tiêu chuẩn xác lập dự toán chi phí được chuẩn hóa để xác định cách thức tính toán nhân công,vật liệu, máy thi công và các chi phí khác được yêu cầu đối với công trình xây dựng một cách công bằng và hợp lý nhất. Các tiêu chuẩn này bao gồm : Hướng dẫn lập dự toán xây dựng công trình đối với các hợp đồng xây dựng (Kết cấu chí phí chính của hợp đồng xây dựng, Nội dung các thành phần chi phí) , Tiêu chuẩn dự toán xây dựng công trình đối với các hợp đồng xây dựng (Chi tiết của từng thành phần chi phí, phương pháp dự toán), Hệ số điều chỉnh chuẩn đối với dự toán chi phí công trình xây dựng dân dụng (các giá trị chuẩn của các hệ số điều chỉnh về nhân công, vật liệu, máy thi công…), Hướng dẫn dự toán chi phí vận hành các thiết bị xây dựng (dự toán chi phí chuẩn đối với thiết bị xây dựng), Bảng tính toán chi phí thiết bị xây dựng (chi phí chuẩn thuê một đơn vị thiết bị xây dựng), Tiêu chuẩn dự toán chi phí khảo sát, quản lý chất lượng và an toàn (Tiêu chuẩn để tính toán chi phí cho các công tác khảo sát, quản lý chất lượng và an toàn).

Tài liệu Hướng dẫn lập dự toán xây dựng công trình đối với các hợp đồng xây dựng, Tiêu chuẩn dự toán xây dựng công trình đối với các hợp đồng xây dựng xác định các thành phần chi phí như sau : chi phí hợp đồng xây dựng bao gồm chi phí xây dựng công trình và các loại thuế. Chi phí xây dựng công trình bao gồm chi phí xây dựng trực tiếp và chi phí xây dựng gián tiếp. Chi phí xây dựng trực tiếp bao gồm chi phí vật liệu và chi phí nhân công (xác định bằng khối lượng nhân đơn giá) và các chi phí trực tiếp (chi phí máy thi công, chi phí điện, nước, chiếu sáng, tiền bản quyền, sáng chế…).

– Giá gói thầu bao gồm tổng chi phí các nội dung, yêu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ được cung cấp để thực hiện hợp đồng do chủ đầu tư xác định để ký với đối tác (nhà thầu được trao thầu). Nhà thầu trúng thầu sẽ được quyết định trong phạm vi giới hạn của giá gói thầu. Yêu cầu đối với Giá gói thầu là : được tính theo tài liệu thiết kế, tài liệu đặc điểm kỹ thuật và các tài liệu khác; phải tương ứng với tổng chi phí công trình xây dựng; phải được xác định phù hợp với thực tế, tình hình cung cầu, mức độ phức tạp khi thực hiện, khối lượng, độ dài thời gian thực hiện…

Kết cấu chi phí xây dựng công trình của giá gói thầu bao gồm chi phí xây dựng công trình và thuế các loại. Chi phí xây dựng bao gồm chi phí xây dựng thực của công trình xây dựng (giá thành xây dựng công trình) và lợi nhuận, chi phí chung. Giá thành xây dựng công trình gồm chi phí xây dựng trực tiếp (chi phí trực tiếp cần thiết để xây dựng công trình) và các chi phí gián tiếp. Chi phí xây dựng trực tiếp được xác định bằng hệ số điều chỉnh(giá trị chuẩn xác định bằng cách khảo sát công trình xây dựng hiện tai nhân đơn giá (đơn giá nhân công, vật liệu, máy thi công). Chi phí gián tiếp bao gồm chi phí khảo sát,kiểm tra chất lượng, an toàn và chi phí hiện trường và quản lý công trường.

Đối với các hệ số điều chỉnh, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) sẽ tiến hành khảo sát tình trạng thi công và công bố (01 lần/năm) con số cần thiết ở mức độ nào đó đối với máy thi công và nhân công theo từng loại công trình (khoảng 180 loại công trình).

Đối với đơn giá vật liệu, cơ quan khảo sát (tổ chức tư nhân) sẽ khảo sát và công bố giá thị trường (hàng tháng, 12 lần/năm) đối với các loại vật liệu (khoảng 60 nghìn mặt hàng). Những loại vật liệu không được công bố sẽ được yêu cầu khảo sát riêng.

Đối với đơn giá nhân công MLIT sẽ tiến hành khảo sát đơn giá lao động ở từng loại hình công việc (khoảng 50 loại hình công việc như nhân viên hỗ trợ, lái xe…) và công bố mức lương trung bình của mỗi loại công việc.

Đối với Chi phí thiết bị xây dựng MLIT sẽ tiến hành khảo sát và công bố(01 lần/năm) các các chi phí như chi phí sửa chữa và bỏa hiểm đối với chủ sở hữu của các loại máy thi công (khoảng 410 kiểu máy).

Chi phí chung (chi phí cho các công trình tạm, chi phí hiện trường và quản lý công trường, chi phí hành chính…), MLIT sẽ tiến hành khảo sát và công bố các chi phí cho việc quản lý xây dựng, các chi phí cho việc vận hành công ty…

  1. Tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, các công ty thực hiện quản lý các dự án do họ đầu tư. Các dự án của Chính phủ như đường cao tốc, đường sắt, năng lượng, nước, sân bay và cảng biển lần lượt do các Công ty Expressway Corporation, Công ty đường sắt, Công ty ngành nước KEPCO, Công ty sân bay Incheon Int’l và Công ty cảng Busan, công ty cảng Inchoen quản lý. Tất cả các tổ chức này có trách nhiệm báo cáo lên Bộ xây dựng và Giao thông.

Các Công ty này sẽ thành lập một trụ sở để quản lý dự án và đóng vai trò Giám đốc dự án. Giám đốc dự án sẽ thuê công ty thiết kế bao gồm tư vấn thiết kế và lập dự toán để lập thiết kế cơ sở và ngân sách. Ngân sách này sẽ được Chủ đầu tư phê duyệt là cơ sở để thiết kế dự án chi tiết. Chuyên gia dự toán sẽ ước tính chi phí dựa trên thiết kế chi tiết tuy nhiên không vượt quá ngân sách đã được phê duyệt và đây là cơ sở để đánh giá giá bỏ thầu.

Tại Hàn Quốc, không có nhà thầu thuộc sở hữu của nhà nước (có các Ban công trình công cộng tuy nhiên các ban này nhìn chung chỉ chịu trách nhiệm về các công việc bảo trì hoặc khẩn cấp), theo đó, tất cả các dự án được đấu thầu trong lĩnh vực tư nhân. Sau khi trao hợp đồng xây dựng, quy trình quản lý chi phí sẽ được xây dựng để kiểm soát chi phí trong quá trình xây dựng. Việc này được thực hiện bởi Giám đốc dự án của chủ đầu tư.

Tại Hàn Quốc, Chủ đầu tư dự án là những doanh nghiệp có chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên môn của họ vì vậy những doanh nghiệp này có thể xây dựng cho mình một dữ liệu nguồn từ các dự án trước đây, được sử dụng để lập dự báo ngân sách dự án. Tuy nhiên, giá thị trường là yếu tố rất được quan tâm trong việc lập dự toán ngân sách và chi phí. Nghiên cứu giá thị trường được áp dụng để xác định đơn giá chi phí nguyên vật liệu và lao động hợp l‎‎ý và được sử dụng để xác định dự toán chi phí.

Có 2 hình thức đấu thầu thường được sử dụng: đấu thầu có lựa chọn và đấu thầu rộng rãi. Đối với đấu thầu rộng rãi, các nhà thầu được mời đề xuất Bảng khối lượng và giá gói thầu dựa vào bảng vẽ chi tiết công trình được nêu trong tài liệu thầu. Bảng khối lượng phải bao gồm toàn bộ gói thầu theo như yêu cầu được nêu trong tài liệu thầu. Đề xuất của Nhà thầu sẽ được đánh giá dựa trên tính đầy đủ của Bảng khối lượng và giá cạnh tranh. Nhà thầu nào đạt được giá đánh giá thấp nhất sẽ được đàm phán để trao thầu. Đối với hình thức đấu thầu có lựa chọn, nhà thầu sẽ được mời cung cấp Bảng kê khối lượng và giá để tiến hành đàm phán nhằm đạt được giá thống nhất trước khi k‎‎ý kết hợp đồng.

Tại Hàn Quốc, phương pháp truyền thống/EPCM/Chìa khóa trao tay/PFI là những phương pháp được sử dụng để triển khai các hợp đồng mua sắm trong khi đó Tiêu chuẩn Hàn Quốc lại được áp dụng cho các Nhà thầu xây dựng. Hợp đồng tiêu chuẩn thường được Chính phủ sử dụng gồm: Mẫu hợp đồng tiêu chuẩn FIDIC và Mẫu hợp đồng tiêu chuẩn Hàn Quốc.

Tất cả các hoạt động trong suốt giai đoạn sau hợp đồng đều do Giám đốc dự án quản l‎ý. Tất cả các thủ tục thanh toán, sự thay đổi gia tăng, thay đổi về giá trị, kéo dài thời gian hợp đồng và các yêu cầu về thanh toán phát sinh đều được quy định trong hợp đồng. Về thanh toán, hàng tháng nhà thầu sẽ trình cho Giám đốc dự án các tài liệu thanh toán bao gồm kế hoạch thanh toán và hóa đơn để kiểm tra. Sau đó cơ quan quản l‎‎ý chính sẽ kiểm tra và đánh giá số lượng thanh toán bằng cách đánh gía hiện trường trước khi thông qua và ban hành chứng nhận thanh toán để tiến hành thanh toán. Nếu có sự thay đổi, Giám đốc dự án sẽ hướng dẫn nhà thầu cách giải quyết. Việc đánh giá sự thay đổi sẽ được tính toán như giá được quy định trong hợp đồng. Nếu hạng mục công việc thay đổi khác với hợp đồng, đàm phán sẽ được tiến hành để thống nhất giá để xác định giá trị thay đổi. Kéo dài thời gian của hợp đồng và yêu cầu về phát sinh sẽ được quản l‎ý thông qua các điều khoản trong Hợp đồng tiêu chuẩn cho xây dựng của Hàn Quốc. Kéo dài thời gian của hợp đồng và yêu cầu về phát sinh, nhà thầu sẽ trình tài liệu cho Giám đốc dự án phê duyệt.

  • Nhận xét rút ra về trình tự hình thành, cơ sở dữ liệu và cách thức quản lý chi phí đầu tư xây dựng:

Từ kết quả khảo cứu nêu trên có thể rút ra các nhận xét như sau:

– Giá xây dựng hình thành từ thô đến tinh, từ tổng hợp đến chi tiết ứng với từng bước của từng giai đoạn đầu tư xây dựng.

– Có đầy đủ các tư liệu được chuẩn bị đến một mức độ nhất định mang tính khả thi được công bố làm căn cứ xác định giá xây dựng theo từng bước ứng với từng giai đoạn đầu tư xây dựng. Trong đó, các tư liệu làm căn cứ xác định giá xây dựng ở các bước thiết kế được công bố và hướng dẫn sử dụng một cách đầy đủ và chi tiết.

– Cách thức xác định giá xây dựng của bất cứ bên nào (Chủ đầu tư hay nhà thầu) tuy đều lấy tình hình thị trường làm căn cứ chủ yếu và quan trọng nhất để tính toán, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc sử dụng các tư liệu gốc để xác định nó ứng với từng bước của từng giai đoạn đầu tư xây dựng. Trong đó, mức giá xây dựng xác định ở bước thiết kế bản vẽ thi công (thưòng được gọi là giá trị dự toán xây lắp công trình) là hết sức quan trọng, nó làm cơ sở để Chủ đầu tư xác định mức giá giới hạn khi đấu thầu xây lắp, lập kế hoạch chi phí phù hợp với tiến độ xây dựng công trình, là căn cứ cho Chủ đầu tư hoặc các nhà tư vấn giúp Chủ đầu tư thực hiện quản lý giá xây dựng trong giai đoạn xây dựng công trình.

– Phương thức quản lý giá xây dựng dựa vào nguồn gốc vốn đầu tư của dự án, thường được chia làm hai loại: Dự án do Nhà nước đầu tư (vốn từ nguồn thu thuế) và dự án do tư nhân đầu tư. Nói chung, cả hai loại dự án này, Nhà nước thực hiện phương pháp quản lý giá xây dựng một cách gián tiếp là chủ yếu, nhưng mức độ và giới hạn quản lý giá xây dựng có sự khác nhau đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng.

– Quy trình quản lý chi phí cho các dự án thuộc chính phủ ở Mỹ rất rõ ràng . Sự xuất hiện của Chuyên gia tiên lượng độc lập (Independent Estimator) và Giám đốc quản lý xây dựng (Construction Management) sẽ đảm bảo độ chuẩn xác trong việc kiểm soát chi phí của dự án. Chuyên gia tiên lượng độc lập tham gia trong tất cả các giai đoạn thiết kế và thi công dự án và vì thế mức độ trách nhiệm sẽ rất cao. Đây chính là điểm mạnh trong hệ thống quản lý xây dựng của Mỹ.

– Tư vấn quản lý chi phí (Quantity Surveyor) đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý chi phí xây dựng ở Anh. Tư vấn quản lý chi phí chịu trách nhiệm quản lý chi phí xây dựng từ khi bắt đầu đến khi dự án được hoàn thành. Mô hình sử dụng Tư vấn quản lý chi phí này có thể phát triển tại Việt Nam. Hiện tại việc quản lý chi phí của các dự án đầu tư xây dựng thường do chủ đầu tư thực hiện mặc dù chủ đầu tư được phép thuê tư vấn quản lý chi phí để thực hiện kiểm soát chi phí nhưng rất hạn chế, không phổ biến và hiện tại ở Việt Nam không có tổ chức tư vấn quản lý chi phí chuyên nghiệp như ở nước ngoài.

– Hệ thống quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng ở Hàn Quốc có một số điểm tương tự như hệ thống ở Việt Nam khi không có Tư vấn quản lý chi phí (Quantity Surveyor) tham gia vào quá trình quản lý chi phí dự án và Chuyên gia thiết kế, lập dự toán là người của cùng một tổ chức. Hàn Quốc có quy trình quản l‎ý chi phí chi tiết được lập để quản l‎ý chi phí cho giai đoạn trước hợp đồng và đây là kinh nghiệm có thể áp dụng cho việc quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam.

          – Tại Nhật Bản, quản lý chi phí dự án được hỗ trợ bằng nhiều quy định, hướng dẫn (các tiêu chuẩn xác lập dự toán chi phí) của các cơ quan, tổ chức khác nhau để Chủ đầu tư lựa chọn cách thức tính toán chi phí nhân công, vật liệu, máy thi công và các chi phí khác phù hợp với công trình xây dựng. Việc quy định, công bố các tài liệu, số liệu về vật liệu, nhân công, máy thi công và các hệ số chi phí khác như của MLIT giúp thuận lợi trong quá trình xác định dự toán chi phí cũng như giá gói thầu xây dựng các dự án do MLIT làm chủ đầu tư.

– Mô hình quản lý chi phí tại Trung Quốc khá tương đồng với các quy định quản lý chi phí dự án xây dựng tại Việt Nam. Các quy định, hướng dẫn về quản lý chi phí tại Trung Quốc khá chi tiết. Điều này thuận lợi cho việc xác định, quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng.

– Tuy ở mức độ khác nhau, các nước trên đều áp dụng nghiên cứu thực tế giá cả thị trường khi xác định, tính toán chi phí dự án đầu tư xây dựng. Tại Việt nam yếu tố thị trường chưa được quy định rõ trong việc xác định, tính toán chi phí xây dựng. Điều này thể hiện rõ khi so sánh giá xây dựng giữa công trình của nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng.

– Không thể kết luận mô hình quản lý chi phí đang sử dụng ở nước nào có hiệu quả nhất do có sự khác biệt về mô hình tổ chức quản lý, vấn đề kinh tế, văn hoá, thị trường, pháp luật và các yếu tố khác. Tuy nhiên rất nhiều các kinh nghiệm trong quản lý chi phí đang được sử dụng trong quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam.

  1. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TẠI VIỆT NAM

Trong quá trình thực hiện các quy định về quản lý chi phí xây dựng thời gian vừa qua và những kinh nghiệm rút ra từ khảo cứu kinh nghiệm của nước ngoài tại mục I nói trên, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam đề xuất một số giải pháp đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, cải cách thủ tục hành chính phù hợp phương thức quản lý chi phí trên thị trường xây dựng theo thông lệ khu vực và quốc tế như sau:

  1. Về đối tượng áp dụng:

Theo quy định tại Nghị định 32/2015/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định 32/2015/NĐ-CP) , đối tượng áp dụng là “các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 60 Luật Xây dựng”. Tuy nhiên quy định về nguồn vốn này rất rộng, nhiều nguồn vốn không dùng để đầu tư xây dựng, mặt khác Luật Đầu tư công đã có hiệu lực do vậy cần điều chỉnh đối tượng áp dụng cho phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công và thực tế yêu cầu quản lý vốn nhà nước. Cụ thể đối tượng áp dụng sẽ là “các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công”.

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, chỉ quản lý đối với “các dự án thành phần, hạng mục, công việc sử dụng vốn nhà nước” nhằm tạo sự chủ động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư. Cần tránh tư tưởng coi các dự án này “bản chất là vốn nhà nước” hoặc “ bản chất là các dự án công” để quản lý toàn bộ dự án.

  1. Về Tổng mức đầu tư xây dựng:

– Nghị định 32/2015/NĐ-CP có quy định về nội dung, cách thức xác định sơ bộ tổng mức đầu tư nhưng chưa đề cấp tới các quy định về thẩm tra, thẩm định, phê duyệt (nếu có) đối với sơ bộ tổng mức đầu tư. Đề nghị bổ sung.

– Nghị định 32/2015/NĐ-CP cho phép sử dụng nhiều phương pháp xác định tổng mức đầu tư nhằm linh hoạt trong cách thức xác định. Tuy nhiên mức độ chính xác của các phương pháp sử dụng là rất khác nhau. Hiện tại các dự án khi lập, trình phê duyệt đều đã có “thiết kế cơ sở” do vậy cần quy định thống nhất, bắt buộc tổng mức đầu tư phải thực hiện theo phương pháp “xác định từ khối lượng thiết kế cơ sở…”nhằm bảo đảm kiểm soát khối lượng, chi phí cũng như mức độ sai lệch thấp nhất.(Theo một tài liệu của hãng Means đối với các dự án có quy mô 2.000.000USD cho thấy nếu sử dụng hệ thống giá xây dựng tính theo mét vuông hoặc mét khối (SF& CF Estimate) thời gian xác định chi phí chỉ là 01 giờ với độ sai lệch + 15% , sử dụng giá bộ phận công trình(Assemblies Estimate) thời gian xác định chi phí chỉ là 01 ngày với độ sai lệch + 10% trong khi nếu sử dụng đơn giá chi tiết (Unit Price Estimate) thời gian xác định chi phí chỉ là 03 tuần với độ sai lệch + 5%).

Các phương pháp như tính theo m2 xây dựng, quy mô công suất, suất đầu tư, dữ liệu công trình tương tự nên dùng để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư (nếu có).

-Về thẩm quyền thẩm định Tổng mức đầu tư : Nghị định 32/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền này tương ứng với thẩm quyền thẩm định dự án (thẩm định cùng với quá trình thẩm định dự án).Tuy nhiên do tính chất chuyên sau về xác định chi phí và cần kết hợp chặt chẽ với quá trình thẩm tra thiết kế cơ sở nên trừ các dự án quan trọng quốc gia (được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định nhà nước), các dự án còn lại nên giao lại thẩm quyền cho Người quyết định đầu tư. Người quyết định đầu tư có thể sử dụng cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực thực hiện. Như vậy trách nhiệm sẽ rõ, minh bạch và tránh chồng chéo.

– Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư : Theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP “Tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh gồm tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần giá trị tăng (hoặc giảm). Phần giá trị tăng (hoặc giảm) phải được thẩm tra, thẩm định làm cơ sở để phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh”.

Tuy nhiên trên thực tế không phải lức nào cũng dễ dàng xác định được phần tăng hoặc giảm (trừ các trường hợp tăng, giảm cơ học). Do đó cần nghiên cứu quy định về xác định “tổng mức đầu tư điều chỉnh” theo “dự án đầu tư điều chỉnh” và thời điểm xác định . Trường hợp “tổng mức đầu tư điều chỉnh” lớn hơn một tỷ lệ nào đó (ví dụ 10%) so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì cần phải thẩm định lại cả dự án (kể cả đánh giá lại hiệu quả đầu tư). Đối với các trường hợp thấp hơn tỷ lệ quy định thì nêu giao cho Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

Cần quy định thông thoáng hơn về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh đối với các trường hợp không vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt (hoặc chỉ thay đổi cơ cấu tổng mức đầu tư) nhằm tạo sự chủ động, thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện và bảo đảm mục hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí.(Giao thẩm quyền cho chủ đầu tư).

  1. Về dự toán xây dựng:

– Nội dung và cách thức xác định dự toán xây dựng : Dự toán xây dựng theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP hiện đang được xác định theo các thành phần chi phí (gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng).

Để bảo đảm thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chi phí cũng như phù hợp với quy định của Luật đấu thầu, dự toán xây dựng nên quy định xác định từ việc tổng hợp từ các “dự toán gói thầu”. Do dự toán gói thầu được xác định theo đặc điểm, tính chất từng loại gói thầu nên bảo đảm sự đầy đủ của giá gói thầu, khắc phục tình trạng nhiều gói thầu đã phải tổ chức đấu thầu lại do giá gói thầu được xác định căn cứ trên tổng mức đầu tư xây dựng hoặc dự toán xây dựng luôn thiếu khối lượng, không cập nhật được giá xây dựng tại thời điểm tổ chức đấu thầu và chưa điều chỉnh theo các yêu cầu, chỉ dẫn kỹ thuật của gói thầu. Tuy nhiên cần quy định, hướng dẫn xác định rõ các loại gói thầu xây dựng, nội dung, phương pháp xác định các khoản mục chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu. Mặt khác “dự toán gói thầu” khi được thẩm định, phê duyệt sẽ là “giá gói thầu” luôn, không cần phải xác định, điều chỉnh lại.

Cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nội dung một số khoản mục chi phí trong dự toán cho phù hợp với thực tế thực hiện và thông lệ quốc tế đặc biệt đối với khoản mục Hạng mục chung.

– Thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng : Hiện tại “Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng”.

Tuy nhiên, để phù hợp với tinh thần cải cách, tăng tính chủ động, minh bạch tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư cần giao thẩm quyền này cho chủ đầu tư (như trước đây). Thực tế do đã có trần tổng mức đầu tư khống chế, có quy định cụ thể, chi tiết chế tài trách nhiệm của chủ chủ đầu tư cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, hậu kiểm thì nếu thẩm quyền này thuộc chủ đầu tư sẽ tạo được sự chủ động, tiết kiệm thời gian trong tổ chức quản lý thực hiện dự án.

  1. Về định mức, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng

Hệ thống định mức, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng là các công cụ quan trọng trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hệ thống này chưa đồng bộ, thiếu nhiều chỉ tiêu, định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các công tác xây dựng đặc thù, các công tác xây dựng áp dụng công nghệ và vật liệu mới. Để đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với cơ chế thị trường, đề nghị xem xét các đề xuất sau:

4.1.Về định mức xây dựng :

– Về nội dung: Cần quy định và phân loại hệ thống định mức xây dựng theo hướng tổng hợp phù hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc các mạng công nghiệp và công nghệ 4.0 kế thừa sự phát triển khoa học của thế giới, xác định nội hàm và mục đích sử dụng của từng loại định mức xây dựng.

– Về quản lý định mức xây dựng :

+ Bộ Xây dựng chỉ hướng dẫn phương pháp xác định định mức xây dựng.  Bộ Xây dựng, các Bộ, UBND các tỉnh, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực công bố các loại định mức trên thị trường để các chủ thể lựa chọn tham khảo.

+ Không nên quy định “ban hành” cứng các định mức xây dựng. Một mặt việc làm này khó đáp ứng sự phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật đang áp dụng (kể cả tiêu chuẩn quốc tế). Mặt khác do những thay đổi rất nhanh của công nghệ, kỹ thuật xây dựng nên việc đáp ứng đủ các định mức xây dựng để ban hành áp dụng là khó khả thi, khó phủ hết cho các loại hình xây dựng công trình,dễ vướng mắc khi thực hiện cũng như tạo áp lực lớn lên cơ quan quản lý cũng như thời gian, chi phí lớn để thực hiện..

+ Điều chỉnh, vận dụng định mức: Định mức xây dựng cần có để xác định đơn giá xây dựng khi xác định dự toán. Mặt khác do còn đấu thầu và việc thanh toán sau đấu thầu căn cứ theo giá hợp đồng nên đối với “các công việc xây dựng chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của công trình” phải được xử lý thông thoáng hơn nhằm đẩy nhanh khâu lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán. Do vậy không nên quy định bất kỳ sự thỏa thuận, chấp thuận của cơ quan nhà nước nào đối với các định mức điều chỉnh, bổ sung hoặc giữ nguyên các quy định tại Nghị định 32/2015/NĐ-CP.

+ Cần quy định cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Công ty tư vấn xây dựng công bố các định mức xây dựng nhằm tạo nguồn dữ liệu tham khảo, tạo điều kiện cho việc đối chiếu, so sánh khi áp dụng, sử dụng.

4.2.Về giá xây dựng công trình:

– Về hệ thống giá xây dựng: cần quy định lại hệ thống giá xây dựng công trình từ tổng hợp đến chi tiết (giá tính theo m2, giá xây dựng tổng hợp, đơn giá xây dựng chi tiết…) và quy định cụ thể mục đích sử dụng của từng giá xây dựng.

– Về phương pháp xác định giá xây dựng: cần có quy định, hướng dẫn về giá xây dựng theo thị trường, giá các công trình tương tự và cách thức xác định, áp dụng, sử dụng (thực tế là không thể tất cả các công tác xây dựng đều có thể được xây dựng từ định mức). Giá thị trường được hình thành, chịu sự điều tiết từ quan hệ cung – cầu của thị trường.

– Về cơ sở lập giá xây dựng: Hiện tại các cơ sở lập giá xây dựng (định mức xây dựng, thông báo giá vật liệu, nhân công …) đều phụ thuộc vào công bố của cơ quan nhà nước (Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng và Sở Tài chính). Các công bố này thường không kịp thời, không cập nhật và không đủ thông tin. Do vậy cần quy định rõ ràng về trách nhiệm cung cấp và công khai các thông tin, dữ liệu cần thiết cho việc xác định giá xây dựng (giá vật liệu, giá nhân công, giá ca máy) và cách thức xử lý trong trường hợp này (sử dụng các thông tin trên thị trường, thông tin của các đơn vị, tổ chức có chức năng cung cấp thông tin).

– Về quản lý giá xây dựng cần quy định cụ thể một số nội dung sau:

+ Quy định giá xây dựng được xác định cho từng công trình cụ thể (phù hợp với nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 132 của Luật Xây dựng 2014 (theo đó Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ theo từng dự án, công trình, gói thầu…). Thực tế với trình độ hiện nay nếu có đủ định mức xây dựng, hệ thống giá vật liệu, nhân công, máy thi công thì việc lập bộ đơn giá xây dựng cho công trình vừa nhanh, chính xác, phù hợp với thời điểm….

+ Không quy định việc ban hành bộ các Đơn giá xây dựng địa phương do những hạn chế (tính bình quân cao, điều chỉnh thường xuyên, không đáp ứng tính thị trường) cũng như chưa phản ánh tính đặc thù đơn chiếc, riêng có của từng công trình xây dựng.

+ Quy định, cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng đủ điều kiện năng lực nghề nghiệp được phép công bố, cung cấp giá xây dựng để tham khảo, sử dụng (ví dụ như Công ty Means (R.S Means company, inc) thực hiện việc cung cấp các thông tin, dữ liệu, bảng giá làm cơ sở xác định giá xây dựng không chỉ cho tất cả các Bang của nước Mỹ mà còn cho cả nước bên cạnh nước Mỹ là Canađa).

4.3. Về chỉ số giá xây dựng:

– Cần quy định, hướng dẫn cụ thể về phạm vi áp dụng, cách thức sử dụng, loại chỉ số giá xây dựng sẽ sử dụng trong từng trường hợp cụ thể (điều chỉnh giá xây dựng, dự toán, giá hợp đồng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình…) ;

– Cần quy định cụ thể về trách nhiệm của các Sở Xây dựng trong việc công bố chỉ số giá xây dựng (theo tháng, quý, năm) trên địa bàn. Trường hợp các Sở Xây dựng không cung cấp được chỉ số giá cho công trình trên địa bàn thì chủ đầu tư được thuê các tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực để thực hiện và áp dụng  (không quy định việc thỏa thuận chỉ số giá với cơ quan nhà nước). Cần quy định cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực công bố, cung cấp chỉ số giá xây dựng để xã hội hóa, giảm chi phí cho nhà nước trong việc xây dựng,công bố chỉ số giá xây dựng.

Nhà nước chỉ nên xây dựng, công bố các loại chỉ số xây dựng phục vụ cho quản lý nhà nước và không thể xã hội hóa được.

  1. Về chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng

5.1. Về chi phí quản lý dự án:

– Cần quy định chi phí quản lý dự án xác định bằng cách lập dự toán do đặc thù khác nhau của quản lý dự án (yêu cầu nhiệm vụ quản lý dự án, quy mô dự án, hình thức quản lý dự án, thời gian quản lý dự án, địa bàn, phạm vi quản lý dự án, thuê tư vấn quản lý dự án). Định mức chi phí quản lý dự án chỉ áp dụng ở giai đoạn xác định tổng mức đầu tư hoặc làm trần chi phí.

– Cần quy định cụ thể về các trường hợp được thuê tư vấn quản lý dự án (kể cả thuê tư vấn nước ngoài) cũng như cách thức xác định chi phí (bằng dự toán).

– Quy định, hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được phép điều chỉnh, bổ sung chi phí quản lý dự án cũng như cách thức xác định chi phí điều chỉnh, bổ sung (thực tế rất nhiều dự án đều phải điều chỉnh chi phí này do kéo dài thời gian thực hiện hoặc các nguyên nhận khác).

5.2. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

Tư vấn đầu tư xây dựng thực hiện công việc theo phạm vi công việc được yêu cầu thực hiện. Phạm vi này bao gồm các nội dung cụ thể, tiến độ cụ thể cho nên cần quy định xác định chi phí tư vấn theo phương pháp lập dự toán. Phương pháp lập theo định mức chỉ nên áp dụng cho một số công việc đã được chuẩn hóa về nội dung, đơn giản.

  1. Về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động xây dựng

Bổ sung thêm quy định về quyền và nghĩa vụ của Người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư và Tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

  1. Một số đề nghị khác

Việc đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng sự vận động của cơ chế thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế đất nước và đòi hỏi từ thực tế hoạt động xây dựng là rất cần thiết. Bên cạnh những đề nghị cụ thể trên, kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng sau:

– Quy định, hướng dẫn về cách thức xác định dự toán xây dựng các dự án đầu tư xây dựng sử dụng quy định sử dụng nhà thầu của nước tài trợ vốn ODA hoặc phải tổ chức đấu thầu quốc tế . Hiện tại vốn ODA được coi là vốn ngân sách nhà nước lên dự toán thường lập theo các quy định về quản lý chi phí trong nước trong khi các nhà thầu nước ngoài xác định giá dự thầu theo thông lệ quốc tế.

– Quy định việc sử dụng tư vấn để kiểm soát chi phí liên tục trong suốt quá trình đầu tư xây dựng (kinh nghiệm từ Hội Kỹ sư định giá Hoa Kỳ-ASPE). Sự tham gia của tư vấn này độc lập với tư vấn xác định chi phí của tổ chức thiết kế xây dựng giúp cho việc xác định, kiểm soát chi phí đầu tư độc lập hơn, tiết kiệm chi phí đầu tư hơn.

– Quy định cụ thể về cách thức, cơ sở thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng trong từng giai đoạn đầu tư xây dựng.Cách thức, cơ sở này phải đồng nhất với cách thức, cơ sở mà chủ đầu tư đã lựa chọn, xác định khi tổ chức thực hiện xác định, phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng, tránh các tranh chấp, hình sự hóa kinh tế làm giảm tính chủ động, chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

– Nhằm nâng cao vai trò công tác kiểm soát chi phí và tiến tới xã hội hóa công tác kiểm soát chi phí cần quy định về các nội dung, công việc được sử dụng tư vấn cá nhân tư vấn Định giá xây dựng hoặc tổ chức tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Quy định việc đánh giá, xếp hạng, công bố trên các tạp chí, thông tin chuyên ngành để nâng cao chất lượng của các cá nhân, tổ chức tư vấn quản lý chi phí này.

– Một trong các lý do cần thiết ban hành Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 của Chính phủ là “số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài…”. Do vậy các quy định về quản lý chi phí không nên quá tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước. Từ thực tế quản lý, nghiên cứu cho thấy việc tập trung quá nhiều quyền (thẩm định, ban hành, thỏa thuận …) vào các cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm chậm quá trình xử lý, giải quyết các phát sinh kéo dài thời gian thực hiện dự án và tạo ra “cơ chế xin –cho”. Điều này cũng không phù hợp với tinh thầm “nhà nước kiến tạo” (mà sẽ là “nhà nước quản lý”) không tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn cho doanh nghiệp như mục tiêu của Nghị quyết số 110/NQ-CP.

– Quy định về việc sử dụng hệ thống thông tin công trình, sử dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ, giải pháp công nghệ thông tin trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

III. KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUẢN LÝ CHI PHÍ TRONG LUẬT XÂY DỰNG 2014

(Xem Phụ lục kèm theo)

 

Trên đây là kinh nghiệm khảo cứu tại một số nước trong khu vực và trên thế giới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, kiến nghị của Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam về sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đề nghị Thứ trưởng xem xét.