Kính gửi: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

                                           Quốc hội Khóa XIV.

Trên cơ sở, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Luật Xây dựng 2014 từ khi có hiệu lực đến nay và kết quả nghiên cứu khảo sát, tổng kết kinh nghiệm của về quản lý xây dựng ở một số nước; các Luật hiện hành và tài liệu liên quan đến quản lý xây dựng, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam có ý kiến về việc soạn thảo và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 như sau:

  1. Về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014

Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam tán thành sự cần thiết và tính cấp bách phải sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 (Luật số 50/2014/QH13, ngày 18/6/2014) để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong hoàn cảnh, điều kiện hiện tại và tương lai gần trong lĩnh vực xây dựng ở nước ta.

Trong điều kiện tiếp cận với khoa học quản lý hiện đại, kinh tế thị trường và xã hội dân sự, nhiều nội dung của Luật cần sửa đổi cho phù hợp (ví dụ: sử dụng cơ sở dữ liệu số; xã hội hóa việc cung cấp thông tin quản lý và mở rộng các hình thức hợp đồng, v.v.)

  1. Về quan điểm soạn thảo và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014
  • Bảo đảm tính ổn định lâu dài, Luật Sửa đổi, bổ sung cần xem xét sửa đổi các nội dung đáp ứng cả những vấn đề có tính chất cấp bách, cần thiết, lẫn những nội dung mang tính chất then chốt có tính lâu dài phù hợp với hướng phát triển kinh tế thị trường.
  • Hướng sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường và điều kiện để mới rộng hoạt động của ngành xây dựng, tạo điều kiện phát triển thị trường xây dựng, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các chủ thể quản lý trong các lĩnh vực xây dựng.
  • Bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với các pháp luật có liên quan (đã và sẽ sửa đổi, bổ sung), trước mắt là các luật có liên quan trực tiếp tới hoạt động xây dựng như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường v.v.
  • Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cấp quản lý về xây dựng theo hướng “Chính phủ kiến tạo”, “Dân tự quyết”, “xã hội kiểm tra, giám sát và điều chỉnh” trên cơ sở công khai minh bạch thông tin và sử dụng rộng rãi các công cụ, phương tiện của cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Phạm vi sửa đổi, bổ sung nội dung: Toàn bộ các nội dung của Luật Xây dựng 2014, kể cả các quan niệm, khái niệm, từ ngữ sử dụng trong Luật trên cơ sở bảo đảm tính khoa học và thực tiễn của Việt Nam.
  1. Góp ý, sửa đổi bổ sung nội dung các điều cụ thể
    • Xem xét, sửa đổi một số từ ngữ trong Điều 3
  • Trước hết cần xem xét, sửa đổi một số khái niệm được quy định ở Điều 3 cho chuẩn xác về mặt ngữ nghĩa của từ dùng và ý nghĩa thực tế:
  • Xem xét chuẩn xác khái niệm và thuật ngữ “Đầu tư xây dựng” trong các cụm từ “Chủ đầu tư xây dựng” (Khoản 9, Điều 3),”Dự án đầu tư xây dựng” (Khoản “Hoạt động đầu tư xây dựng” (Khoản 15, Điều 3), “Hoạt động đầu tư xây dựng” (Khoản 20, Điều 3) là khái niệm mơ hồ, không đúng về mặt lý luận[1] dẫn tới quan niệm và sử dụng lẫn lộn, chồng chéo 2 phạm trù “Đầu tư” và “Xây dựng”. Cụ thể:

+ Khoản 9, Điều 3: Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) được giải thích “là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng”. Cách giải thích này lẫn với khái niệm Chủ đầu tư. Thực tế không có khái niệm “Chủ đầu tư xây dựng”, chỉ có khái niệm “Chủ đầu tư” của dự án đầu tư.

+ Khoản 20, Điều 3: Hoạt động đầu tư xây dựng được giải thích “là quá trình tiến hành các hoạt động xây dựng gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng”. Khái niệm này không gắn với việc bỏ vốn của Chủ đầu tư, lẫn với khái niệm các “các hình thức xây dựng”.

  • Khoản 21, Điều 3: Hoạt động xây dựng, đề nghị sửa “gồm lập quy hoạch dự án đầu tư xây dựng[2], lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

Như vậy, hoạt động xây dựng không bao gồm hoạt động “lập quy hoạch xây dựng” nói chung. Công việc lập quy hoạch xây dựng là việc lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch làm cơ sở cho việc chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, thuộc về công tác quy hoạch được điều chỉnh theo pháp luật về quy hoach, có hướng dẫn riêng của Chính phủ [3].

  • Xem lại sự cần thiết đưa vào khái niệm “Cơ quan chuyên môn về xây dựng” (Khoản 13, Điều 3) với giải thích là cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (Bộ XD đề nghị bổ sung cả Ban Quản lý các KCN, KCX, KCNC). Ở đây khái niệm “chuyên môn về xây dựng” ở các bộ là không rõ ràng dẫn tới tình trạng có thể một việc liên quan tới nhiều cục, vụ của các bộ.
  • Sửa đổi Khoản 15. Điều 3: “Dự án đầu tư xây dựng là dự án đầu tư có cấu phần xây dựng để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định”. Nội dung sửa đổi này vừa chuẩn xác về mặt ngữ nghĩa, vừa thồng nhất với Luật Đầu tư Và Luật Đầu tư công.[4]
  • Các thuật ngữ “Thẩm định”, “Thẩm tra” cần xem xét lại cho đúng ngữ nghĩa và thống nhất cách dùng ở các Luật và trong quy trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước. Trong các khoản 36, 37 Điều 3 về “Thẩm định”, “Thẩm tra” đều được giải thích là “việc kiểm tra, đánh giá”, nghĩa là cùng một nội hàm chỉ khác chủ thể tiến hành lại có tên gọi khác nhau[5] (Luật Đầu tư công 2019, chỉ nêu ra công tác thẩm định là cơ sở cho người có thẩm quyền quyết định, trừ trường hợp Thẩm tra của Quốc hội để quyết định chủ trương đầu tư Dự án quan trọng quốc gia và chương trình mục tiêu quốc gia); Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư không đưa ra khái niệm Thẩm tra quy hoạch hay thẩm tra dự án.
  • Khái niệm “Thiết bị lắp đặt vào công trình” (Khoản 39, Điều 3) không rõ ràng việc phân chia các bộ phận “thiết bị công trình” và “thiết bị công nghệ”, không thống nhất với khái niệm “Công trình xây dựng” (Khoản 10, Điều 3) vì chưa có khái niệm thiết kế xây dựng và thiết kế công nghệ trong công trình xây dựng (Quy định về Thiết kế xây dựng (Điều 78) chỉ phân định Thiết kế xây dựng theo trình tự, không quy định các loại thiết kế xây dựng theo nội dung công tác thiết kế, nên thực tế khó phân biệt thiết kế công nghệ với thiết kế xây dựng trong thiết kế các tòa nhà hoặc tổ hợp các công trình xây dựng phi sản xuất hiện nay).
    • Góp ý sửa đổi, bổ sung một số Điều của Lut Xây dựng 2014
  • Sửa đổi, bổ sung Điều 7. Chủ đầu tư

“Điều 7. Chủ đầu tư và Chủ sử dụng

  1. Chủ đầu tư dự án đầu tư do người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định (Không quy định theo nguồn vốn)
  2. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư trong phạm vi các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án từ khi có quyết định đầu tư đến hết quá trình khai thác vận hành dự án (bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa).
  3. Trường hợp dự án được bàn giao cho chủ thể khác tiếp quản để khai thác sử dụng thì chủ thể mới là Chủ sử dụng dự án. Chủ sử dụng dự án phải tiếp nhận và thực hiện tiếp các quyền và trách nhiệm của Chủ đầu tư trong giai đoạn khai thác vận hành dự án”.

2) Sửa đổi Khoản 3 Điều 10 Chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng: Đề nghị xác định cụ thể lộ trình và loại dịch vụ công do cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng chuyển giao cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ khả năng, điều kiện nhận chuyển giao. Đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn điều kiện của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp được nhận các loại loại dịch vụ công.

3) Sửa đổi Khoản 9, Điều 12. Các hành vi bị cấm

Đề nghị quy định rõ hoặc giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá sự nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường trong sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng.

  • Đề nghị đưa nội dung Chương II (QUY HOẠCH XÂY DỰNG) ra khỏi Luật Xây dựng để đưa vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật về Quy hoạch bằng một Nghị định riêng của Chính phủ.[6]

Trong Luật Xây dựng chỉ cần có nội dung quy định quản lý xây dựng phù hợp với Quy hoạch xây dựng và sửa đổi các nội dung Điều 45 hiện có trong Luật XD (Nguyên tắc quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng) sao cho thống nhất với các loại QHXD theo hệ thống phân loại đã được quy định tại Luật Quy hoạch; thực hiện việc lập, điều chỉnh QHXD phù hợp với QH cấp quốc gia, quy hoạch vùng hoặc QH cấp tỉnh tương ứng, bảo dảm đồng bộ về nội dung phê duyệt, công bố công khai, tổ chức công bố, cung cấp thông tin quy hoạch XD.

  • Sửa đổi, bổ sung Điều 49. Phân loại dự án đầu tư xây dựng: Đề nghị sửa đổi bổ sung quy định về phân loại dự án ĐTXD phù hợp với Luật Đầu tư công (Luật số 39/2019/QH14, ngày 13/6/2019 )
  • Sửa đổi Điều 57. Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng như sau:

“1. Đối với dự án quan trọng quốc gia thì Hội đồng thẩm định Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng.

  1. Đối với các dự án còn lại do Người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức thẩm định. Riêng thiết kế cơ sở phải được thẩm định/thẩm tra bởi tổ chức, cá nhân có trình độ năng lực chuyên môn về kỹ thuật chuyên ngành phù hợp.[7]
  2. Người quyết định đầu tư được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định dự án hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra dự án làm cơ sở để phê duyệt dự án.
  3. Tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định/thẩm tra của mình. Tổ chức, cá nhân tham gia lập dự án không được thực hiện thẩm định thẩm tra dự án do mình lập”

8) Sửa Điều 60. Thẩm quyền quyết định đầu tư, đề nghị sửa như sau

“1. Đối với dự án đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn đầu tư công, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công [8].

  1. Các dự án khác do Người đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật quyết định đầu tư dự án.
  2. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư nêu ở khoản 1 và khoản 2, căn cư điều kiện cụ thể của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương có thể phân cấp cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc quyết định đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của mình đối với các dự án thuộc nhóm B và nhóm C”.[9]

9) Đề nghị sửa đổi các Điều 62 Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng và Điều 63 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực. Đề nghị sửa đổi theo hướng tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư: Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định lựa chọn hình thức Ban quản lý dự án theo nguyên tắc bảo đảm năng lực quản lý, tinh gọn bộ máy và hiệu quả.

10) Sửa đổi Điều 82. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng như sau:

“1. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng.

  1. Chủ đầu tư được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định thiết kế xây dựng hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra làm cơ sở để phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng.
  2. Tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra thiết kế xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, thẩm tra của mình. Tổ chức, cá nhân tham gia thiết kế xây dựng không được thực hiện thẩm định thẩm tra thiết kế xây dựng do mình lập.”

11) Sửa Điều 132. Nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng như sau:

“1. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng, nguồn vốn sử dụng. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ theo từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng và mặt bằng giá thị trường.

  1. Nhà nước thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng thông qua việc ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến các nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
  2. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư được lựa chọn phương pháp và các công cụ, hệ thống chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật để quản lý chi phí đầu tư xây dựng trước khi thực hiện xây dựng công trình phù hợp với đặc điểm, tính chất và điều kiện cụ thể của dự án.
  3. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành, khai thác sử dụng. Chủ đầu tư được thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực để giúp chủ đầu tư thực hiện việc quản lý, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng trong suốt quá trình đầu tư xây dựng.
  4. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo các căn cứ, nội dung,cách thức, thời điểm xác định tổng mức đầu tư. Dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng của công trình đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư lựa chọn, sử dụng phù hợp với các giai đoạn của quá trình hình thành chi phí.
  5. Chi phí đầu tư xây dựng của các dự án sử dụng vốn đầu tư công phải được xác định, quản lý theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.”

12) Sửa Điều 133. Nội dung chi phí và quản lý chi phí đầu tư xây dựng như sau:

“1. Nội dung chi phí đầu tư xây dựng gồm tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, định mức và giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng.

  1. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm các hoạt động xác định, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt, kiểm soát, điều chỉnh các nội dung chi phí đầu tư xây dựng.
  2. Chính phủ quy định chi tiết về nội dung chi phí và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.”.

13) Sửa đổi, bổ sung Điều 134. Sơ bộ tổng mức đầu tư và Tổng mức đầu tư xây dựng, như sau:

“1. Sơ bộ tổng mức đầu tư được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất, năng lực xác định theo thiết kế xây dựng sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư, dữ liệu chi phí các dự án tương tự đã hoặc đang thực hiện đầu tư.

  1. Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở, các nội dung, yêu cầu của dự án và hệ thống chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật, giá xây dựng.
  2. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng gồm chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá.

Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng bao gồm các chi phí trong dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 135 của Luật này, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí khác.

  1. Sơ bộ tổng mức đầu tư, Tổng mức đầu tư xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt cùng với việc thẩm định, phê duyệt Báo các nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt là mức chi phí tối đa mà chủ đầu tư được phép sử dụng để thực hiện dự án.
  2. Tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt của dự án sử dụng vốn đầu tư công chỉ được điều chỉnh khi điều chỉnh dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật này. Đối với dự án sử dụng vốn khác, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định.”

14) Sửa đổi, bổ sung Điều 135. Dự toán xây dựng

“1. Dự toán xây dựng được xác định cho từng công trình trên cơ sở khối lượng công tác, nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình tính toán từ thiết kế kỹ thuật đối với công trình thiết kế 3 bước, thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình thiết kế 2 bước và 1 bước, các yêu cầu công việc phải thực hiện của công trình và định mức xây dựng, giá xây dựng tương ứng.

  1. Nội dung dự toán xây dựng gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng. Dự toán xây dựng được thẩm định, phê duyệt cùng với việc thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng.
  2. Dự toán xây dựng được phê duyệt là căn cứ để chủ đầu tư quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong giai đoạn thực hiện xây dựng công trình và là cơ sở xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
  3. Dự toán xây dựng đã phê duyệt được điều chỉnh trong các trường hợp sau:
  4. a) Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định;
  5. b) Được phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí dự toán xây dựng nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt;
  6. Chủ đầu tư phải thực hiện thẩm định, phê duyệt lại dự toán xây dựng sau khi điều chỉnh.”

15) Sửa đổi Điều 136. Định mức, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng

“1. Định mức xây dựng gồm định mức kinh tế – kỹ thuật và định mức chi phí. Giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp cho nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình. Giá xây dựng tổng hợp được xác định trên cơ sở tổng hợp từ đơn giá xây dựng chi tiết.

  1. Đơn giá xây dựng chi tiết được xác định cho từng công trình xây dựng trên cơ sở giá thị trường hoặc định mức xây dựng và giá vật liệu, nhân công, máy thi công, các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại khu vực xây dựng.
  2. Hệ thống định mức và giá xây dựng quy định tại khoản 1 Điều này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng đủ điều kiện năng lực, các nhà sản xuất, đại lý phân phối được ủy quyền công bố hành là cơ sở để chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng lựa chọn sử dụng khi xác định, quản lý chi phí đầu tư xây dựng trước khi ký kết hợp đồng xây dựng.
  3. Chỉ số giá xây dựng xác định theo loại công trình, cơ cấu chi phí, yếu tố chi phí làm cơ sở cho việc xác định, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá hợp đồng xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình..

16) “Bổ sung Điều 136 b: quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng

  1. Quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư

1.1. Người quyết định đầu tư có các quyền sau đây:

  1. a) Phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh;
  2. b) Quyết định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, loại hợp đồng, hình thức hợp đồng;
  3. c) Chấp thuận thực hiện lựa chọn tổ chức tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng đủ điều kiện năng lực để thực hiện thẩm tra tổng mức đầu tư làm cơ sở cho việc phê duyệt;
  4. d) Các quyền khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

1.2. Người quyết định đầu tư có nghĩa vụ sau đây:

  1. a) Đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư để thanh toán cho dự án, công trình theo thời gian, tiến độ đã được phê duyệt;
  2. b) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư theo đúng thời hạn quy định;
  3. c) Các nghĩa vụ khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
  4. 2. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư

2.1. Chủ đầu tư có các quyền sau đây:

  1. a) Điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư nhưng không làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt;
  2. b) Tổ chức thẩm định, thẩm tra, phê duyệt dự toán xây dựng, dự toán xây dựng điều chỉnh. Thực hiện lập dự toán, thẩm định dự toán khi đủ điều kiện năng lực;
  3. c) Điều chỉnh và phê duyệt dự toán xây dựng điều chỉnh.
  4. d) Lựa chọn sử dụng định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng khi xác định dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng;

đ) Thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng đủ điều kiện năng lực để thực hiện xác định, thẩm tra, kiểm soát, quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

  1. e) Được quyền đòi bồi thường hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật đòi bồi thường các thiệt hại do việc chậm trễ của cơ quan thanh toán vốn đầu tư;
  2. g) Chấp thuận các thay đổi biện pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật do nhà thầu đề xuất nhưng phải đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và không làm thay đổi giá trị hợp đồng đã ký kết. Kiểm soát các thay đổi trong quá trình thi công xây dựng công trình có liên quan đến thay đổi chi phí đầu tư xây dựng hoặc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình;
  3. h) Chấp thuận các đề xuất về thay đổi vật tư, vật liệu xây dựng theo đề xuất của tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng nhưng phải đảm bảo về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ xây dựng trên cơ sở giá trị trong hợp đồng đã ký kết;
  4. i) Được thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định;
  5. k) Các quyền khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau đây:

  1. a) Tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng; trình Người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư,tổng mức đầu tư điều chỉnh;
  2. b) Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng, dự toán xây dựng điều chỉnh;
  3. c) Tạm ứng, thanh toán và quyết toán hợp đồng theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết với nhà thầu;
  4. d) Tổ chức kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định;

đ) Quyết định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của giá trị đề nghị cơ quan thanh toán vốn đầu tư thanh toán vốn cho nhà thầu;

  1. h) Tổ chức lập Báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình hoàn thành theo quy định;
  2. i) Mua bảo hiểm công trình đối với các công trình có quy định phải mua bảo hiểm;
  3. k) Các nghĩa vụ khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
  4. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng

3.1. Nhà thầu tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng có các quyền sau đây:

  1. a) Thực hiện tư vấn các công việc quản lý chi phí phù hợp với điều kiện năng lực và phạm vi hoạt động theo quy định;
  2. b) Yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu phục vụ cho công việc tư vấn quản lý chi phí;
  3. c) Từ chối thực hiện các yêu cầu ngoài nhiệm vụ tư vấn quản lý chi phí theo hợp đồng đã ký kết;
  4. d) Yêu cầu chủ đầu tư thanh toán các khoản chi phí theo hợp đồng đã ký kết; được thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán;

đ) Các quyền khác theo quy định hợp đồng tư vấn quản lý chi phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3.2. Nhà thầu tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:

  1. a) Thực hiện các công việc tư vấn quản lý chi phí theo hợp đồng đã ký kết;
  2. b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về kết quả thực hiện tư vấn quản lý chi phí và bồi thường thiệt hại gây ra cho chủ đầu tư (nếu có) theo quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan;
  3. c) Không được tiết lộ các thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động quản lý chi phí do mình thực hiện khi chưa được phép của chủ đầu tư hoặc cấp có thẩm quyền;
  4. d) Các nghĩa vụ khác theo quy định hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

17) Sửa đổi Điều 137. Thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng

“1. Việc thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư. Chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ thanh toán.

  1. Công trình xây dựng sau khi hoàn thành được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng phải thực hiện quyết toán dự án đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công[10], người quyết định đầu tư phê duyệt quyết toán dự án đầu tư trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt. Thời hạn quyết toán dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Chính phủ.
  2. Thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 144 và Điều 147 của Luật này.”

18) Bổ sung, sửa đổi Khoản 2 và Khoản 3 Điều 140:

 “2. Theo tính chất, nội dung công việc thực hiện, hợp đồng xây dựng gồm:

  1. a) Hợp đồng tư vấn xây dựng;
  2. b) Hợp đồng thi công xây dựng công trình;
  3. c) Hợp đồng cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng;
  4. d) Hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng, hợp đồng chìa khóa trao tay;

đ) Hợp đồng 3 bên (Chủ đầu tư, Nhà thầu xây dựng và Nhà thầu tư vấn)

  1. e) Hợp đồng khác
  2. Theo hình thức giá hợp đồng áp dụng, hợp đồng xây dựng gồm:
  3. a) Hợp đồng trọn gói;
  4. b) Hợp đồng theo đơn giá cố định;
  5. c) Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh;
  6. d) Hợp đồng theo thời gian;

đ) Hợp đồng tính theo tỷ lệ %

  1. e) Hợp đồng theo chi phí cộng phí;
  2. g) Hợp đồng theo giá kết hợp;
  3. h) Hợp đồng xây dựng khác.”

19) Sửa đổi Điều 149. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

“1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề được cấp cho cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật này.

  1. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
  2. a) Có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
  3. b) Có thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
  4. c) Đã qua đào tạo, sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
  5. Sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được quy định như sau:
  6. a) Bộ Xây dựng quy định nội dung đào tạo, quy định cách thức, nội dung sát hạch, kiểm tra việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng;
  7. b) Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng”

20) Sửa đổi Khoản 3 Điều 162. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

“3. Tổ chức, quản lý quy hoạch xây dựng, hoạt động quản lý dự án; công bố các định mức và giá xây dựng.”

21) Sửa đổi Điểm b) Khoản 1 Điều 163. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

“b) Nghiên cứu ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn; công bố định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cho cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc;”

 22) Sửa đổi các điểm c) và d) Khoản 2, Điều 164. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

“c) Nghiên cứu ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn; công bố định mức kinh tế – kỹ thuật cho các công việc đặc thù của địa phương. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện công bố các thông tin về định mức, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên thị trường theo tháng, quý, năm. Thực hiện báo cáo định kỳ và hàng năm về tình hình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của địa phương gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, theo dõi;

  1. d) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện công bố các thông tin về định mức, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, quý, năm.”

Trên đây là nội dung những ý kiến tham gia về việc Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 của Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam./.

 

[1] Đầu tư là hoạt động bỏ vốn vào một lĩnh vực, một đối tượng cụ thể để đạt được mục tiêu/lợi ích nào đó; Xây dựng là một hành động kiến tạo ra đối tượng nào đó. Đầu tư gắn với một mục đích nhất định (tiền/vật chất/tinh thần), nên đầu tư xây dựng không mang một ý nghĩa rõ ràng mà cần phải đi theo một nhóm từ chỉ mục đích (đầu tư xây dựng bênh viện, trường học, mua thiết bị này nọ, v.v.)

[2] Quy hoạch dự án được hiểu là quy hoạch tổng mặt bằng công trình hay quy hoạch chi tiết tỷ lê trên 1/500 của dự án đầu tư xây dựng

[3] Trong từ điển và các tài liệu liên quan các khái niệm “xây dựng”, “XDCB” đều không bao gồm công tác quy hoạch; Quy hoạch được hiểu là giai đoạn trước xây dựng. Xây dựng chỉ bao gồm các hoạt động điều tra khảo sát phục vụ lập dự án và thiết kế xây dựng, xây lắp, bảo trì công trình. Các Nghị định quản lý Đầu tư và Xây dựng trước 2003 không đưa nội dung công tác quy hoạch xây dựng vào quản lý xây dựng.

[4] Khái niệm về dự án đầu tư nêu trong Khoản 2, Điều 3 của Luật Đầu tư 2014; Điều 6 Luật đầu tư công về Phân loại dự án gồm dự án đầu tư có cấu phần xây dựng và dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng

[5] Theo Thư viện pháp luật: Thẩm định là xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý về vấn đề nào đó bằng văn bản. Thẩm tra là kiểm tra, xem xét các nội dung cơ bản của 1 vấn đề nào đó để đưa đến kết luận về tính đúng, tính hợp pháp, tính khả thi. Theo từ điển Cambrigde Dictionary: Appraisal (thẩm định) và Verification (thẩm tra) là 2 thuật ngữ khác nhau và được định nghĩa khác nhau.

[6] Vì lý do Hoạt động quy hoạch xây dựng nói chung không phải là hoạt động xây dựng như đã nêu ở Khoản 21, Điều 3 sửa đổi.

[7] Cá nhân, tổ chức có trình độ năng lực chuyên môn về kỹ thuật chuyên ngành là những cá nhân, hoặc tổ chức, đơn vị tư vấn có chuyên gia được đào tạo chuyên ngành vê kỹ thuât xây dựng (quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, xây dựng) và các chuyên gia được đào tạo về công nghệ trong các lĩnh vực của dự án (khai thác mỏ, sản xuất VLXD, vận chuyển, kho bãi, v.v.).

[8] Thẩm quyền quyết định đầu tư quy định tại Điều 35, Luật Đầu tư công (Luật số 39/2019/QH14, ngày 13/6/2019).

[9] Việc phân cấp phải có các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng được HĐND thông qua (đối với dự án đầu tư công) hoặc tập thể lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp thông qua (đối với dự án thuộc nguồn vốn khác) .

[10] Là vốn Nhà nước nhưng không thuộc vốn NSNN và vốn tư nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập (Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 163/2015/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành Luật NSNN năm 2015), là một số khoản vốn nhà nước đầu tư vào DN như vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Khoản 8, Luật QL vốn NN đầu tư vào Doanh nghiệp)