(Bài viết chỉ là ý kiến riêng với mong muốn được trao đổi, học tập)

          Định mức xây dựng đã được quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14; quy định cụ thể tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và cách thức xác định đã được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng. Không thể phủ nhận những đổi mới, tiến độ trong các quy định liên quan đến định mức xây dựng tại các văn bản pháp luật này đã giúp cho quá trình quản lý, áp dụng định mức xây dựng được thuận tiện hơn, chặt chẽ hơn nhưng có một số điểm dưới giác độ nghiên cứu áp dụng cần trao đổi làm rõ nhằm áp dụng đúng, đi vào cuộc sống và không có những chồng chéo đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Sau đây là một số trao đổi cụ thể:

          1. Về các quy định Hệ thống định mức xây dựng (Điều 20. Nghị định 10/2021/NĐ-CP).

          Nghị định 10/2021/NĐ-CP quy định Định mức kinh tế-kỹ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán. Theo đó định mức cơ sở “được sử dụng để xác định hoặc điều chỉnh định mức dự toán”. Liên quan đến quy định này có một số nội dung cần được trao đổi, làm rõ như sau:

Thứ nhất quy định định mức cơ sở “được sử dụng để xác định hoặc điều chỉnh định mức dự toán”như trên có thể hiểu là định mức cơ sở phải có trước làm căn cứ cho việc xác định, điều chỉnh định mức dự toán. Hồ sơ báo cáo kết quả xác định định mức (điểm 4, phần I, Phụ lục III Thông tư 13/2021/TT-BXD) có yêu cầu về “Định mức cở sở của từng công đoạn, bước công việc…” khi xác định định mức dự toán mới của công trình. Trường hợp khi cần xác định định mức dự toán mới nhưng không có “định mức cơ sở đã ban hành” để sử dụng, làm căn cứ thì giải quyết ra sao. Liệu có phải xác định định mức cơ sở mới, ban hành để làm căn cứ cho việc “xác định” định mức dự toán mới hay không. Có được vận dụng định mức cơ sở đã ban hành không và nếu có sẽ thực hiện như thế nào? Điều này cần được làm rõ.

Thứ hai cũng theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP, chỉ có Bộ Xây dựng “tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung cho cả nước”. Các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, địa phương chỉ xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù chuyên ngành, địa phương. Quy định như trên có thể hiểu chỉ có Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng ban hành định mức cơ sở (dùng chung cho cả nước).Tuy nhiên các định mức cơ sở này có đủ để bao phủ, sử dụng khi “xác định định mức dự toán các công tác xây dựng chuyên ngành, địa phương được không? Nếu không, các định mức dự toán chuyên ngành, địa phương “sử dụng định mức cơ sở” nào để xác định. Nếu phải lập các định mức cơ sở để “xác định định mức dự toán” thì các định mức này ai xây dựng, ban hành và quy định ở đâu?

Thứ ba Nghị định 10/2021/NĐ-CP cũng quy định “ Định mức dự toán được áp dụng, tham khảo để lập dự toán xây dựng”. Như vậy thì định mức cơ sở có dùng để lập dự toán xây dựng được không. Thực tế đối với một số loại công trình thì hoàn toàn có thể làm được. Trong quá trình phát triển của ngành định mức ở nước ta có giai đoạn mà ở đó định mức cơ sở cũng đã được dùng để lập dự toán xây dựng công trình.

2. Về việc xác định và quản lý các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh (khoản 4. Điều 21 Nghị định 10/2021/NĐ-CP).

Theo quy định tại khoản này thì tổ chức, cá nhân lập dự toán xây dựng có trách nhiệm lập danh mục các định mức dự toán mới, định mức dự toán cần điều chỉnh và tổ chức xác định các hao phí …để phục việc lập đơn giá, xác định dự toán; cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định một số nội dung theo quy định và cuối cùng Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh trên.  Tuy nhiên việc áp dụng các quy định và quy trình thực hiện trên khó thực hiện, chưa rõ ràng ở các điểm sau:

– Thứ nhất quy định tổ chức, cá nhân lập dự toán có “trách nhiệm” lập danh mục các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh và “tổ chức” xác định các định mức này (điểm a) khoản 4) chưa được làm rõ. Cụ thể:

+ Hợp đồng tư vấn thiết kế xây dựng (trong đó có nhiệm vụ lập dự toán) đã ký trước, nay bổ sung trách nhiệm này sẽ phải đàm phán bổ sung ra sao về chi phí, thời gian thực hiện. Chi phí xác định như thế nào (theo phương pháp lập dự toán hay đơn giá), ai là người quyết định chi phí này và có phải thẩm tra phê duyệt không…

+ Quy định về trách nhiệm “tổ chức xác định hao phí định mức…” cũng không rõ nội hàm. Có được trực tiếp thực hiện không hay chỉ tổ chức ( để tư vấn khác thực hiện) và nếu đúng vậy thì nội hàm của việc “tổ chức” gồm những việc gì (lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện, giám sát…). Thực tế có những dự án, công trình mà phần xây dựng định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh có thể có giá trị tiền tỷ dẫn tới việc phải tổ chức đấu thầu và như vậy có cần có tư vấn khác không và thời gian sẽ kéo dài (lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, xét thầu, thẩm tra, thẩm định…).

+ Khi thực hiện trách nhiệm trên có thể sẽ kéo dài thời gian lập dự toán xây dựng đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian thiết kế xây dựng. Theo Thông tư 12/2021/TT-BXD, chi phí lập dự toán xây dựng chiếm khoảng 12% chi phí thiết kế nên có thể tổ chức, cá nhân lập dự toán xây dựng yêu cầu một chi phí cho công việc này mà chủ đầu tư khó có thể chấp nhận (bởi ngoài việc lập danh mục còn phải lập cả phương pháp xác định theo yêu cầu tại khoản đ) Điều 13 Nghị định 10/2021/NĐ-CP). Mặt khác có thể tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng không có “đủ điều kiện năng lực” để xác định các định mức xây dựng.

– Thứ hai quy định Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh (điểm b) khoản 4) . Theo quy định tại Nghị định chủ đầu tư trình hồ sơ thiết kế xây dựng (có hồ sơ dự toán) khi thực hiện thẩm định (khoản 1, Điều 13 Nghị định 10/2021/NĐ-CP). Thời điểm này mọi việc liên quan đến việc xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh do tư vấn thực hiện đã xong (danh mục, phương pháp…) và nếu Cơ quan chuyên môn không chấp thuận, yêu cầu thay đổi, điều chỉnh (danh mục, phương pháp) sẽ xử lý sao kể cả về chi phí và thời gian hoàn thành thiết kế xây dựng nói chung. Như vậy tư vấn thực hiện sẽ gặp rất nhiều rủi ro trong khi Cơ quan chuyên môn về xây dựng có nhiều dư địa, ý kiến để có thể kiểm soát .

Để tránh xảy ra trường hợp này Chủ đầu tư có thể có yêu cầu Bộ Xây dựng có ý kiến, hướng dẫn  đối với việc xác định định mức dự toán xây dựng mới, định mức dự toán điều chỉnh ( khoản 6.Điều 21). Tuy nhiên yêu cầu vào giai đoạn nào của quá trình xác định định mức dự toán xây dựng, Bộ Xây dựng có thể hướng dẫn, cho ý kiến về nội dung gì (danh mục các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh; phương pháp xác định, giá trị định mức…). Hãy hình dung các công việc phải làm, thời gian chờ đợi, các tài liệu phải có khi xin ý kiến, hướng dẫn và liệu Bộ Xây dựng có đáp ứng được nhanh chóng, hiệu quả khối lượng các yêu cầu cần hướng dẫn, xin ý kiến?.

-Thứ ba quy định về “ chủ đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng…” (điểm c) khoản 4) dường như có vẻ nâng cao quyền của Chủ đầu tư nhưng thật ra cũng lại không rõ ràng. Chủ đầu tư sẽ “xem xét” những nội dung, vấn để gì ? và khi không đủ điều kiện năng lực, chuyên môn có được thuê tư vấn khác thẩm tra như quy định ở khoản 7 (chỉ dành cho các định mức quy định tại khoản 5) hay không…Quy định về việc “quyết định” cũng là thừa khi đã bỏ tiền ra thuê tư vấn lập định mức, đã được Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định mà lại “quyết định” không áp dụng, sử dụng liệu có được không , có bị quy kết tội lãng phí không? . Để dễ thực hiện áp dụng nên quy định Chủ đâu tư “phê duyệt” áp dụng, sử dụng các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh khi các định mức này đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định (danh mục, phương pháp) và tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực thẩm tra về các trị số, giá trị…

3. Về các quy định xác định định mức dự toán mới, dự toán điều chỉnh trong quá trình thi công ( khoản 5. Điều 21 Nghị định 10/2021/NĐ-CP).

          Theo quy định tại khoản này các định mức dự toán mới, dự toán điều chỉnh dùng để xác định dự toán xây dựng công trình sẽ được chủ đầu tư khảo sát để xác định trong quá trình thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên có một số vấn đề cần trao đổi thêm như sau:

          -Thứ nhất các định mức dự toán mới, dự toán điều chỉnh nếu đã được chủ đầu tư “xem xét, quyết định việc sử dụng” (điểm c) khoản 4) sẽ được dùng để xác định đơn giá xây dựng, xác định dự toán, xác định, phê duyệt giá gói thầu và hoàn thành nhiệm vụ của nó khi lựa chọn được nhà thầu. Bước vào giai đoạn thi công sẽ là giá hợp đồng xác định trên cơ sở giá trúng thầu (giá dự thầu của nhà thầu trúng thầu). Giá dự thầu của nhà thầu được xác định trên cơ sở các đơn giá ( có thể xây dựng từ các định mức) của nhà thầu, theo biện pháp thi công, điều kiện thi công của nhà thầu (tất nhiên phải phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật) và rất có thể không phù hợp với định mức (cả biện pháp thi công, điều kiện thi công) mà chủ đầu tư đã xem xét, quyết định sử dụng trong giai đoạn lập dự toán xây dựng. Quyền quyết định định mức dự toán, giá xây dựng công trình và các chi phí liên quan khi xác định giá dự thầu để tham gia đấu thầu đã được quy định tại khoản 2. Điều 39 Nghị định 10/2021/NĐ-CP. Như vậy cần xem lại tính khả thi của quy định tại khoản này.

          -Thứ hai để “chủ đầu tư tổ chức khảo sát để xác định các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh” đáp ứng mục đich “chuẩn xác lại các nội dung của định mức” (điểm a) khoản 5.Điều 21) thì phải yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đúng “biện pháp thi công, điều kiện thi công” như đã xác định ở giai đoạn lập dự toán. Điều này là khó khả thi vì muốn vậy phải đưa vào Hồ sơ yêu cầu, Hồ sơ mời thầu và khó nhà thầu nào chấp thuận bởi muốn giá dự thầu thấp, cạnh tranh nhà thầu phải có biện pháp thi công của riêng nhà thầu, sở trường (đôi khi là bí quyết, bí mật riêng có). Thực tế có những công trình xây dựng, chủ đầu tư cũng đã ký hợp đồng với nhà thầu theo kiều “đơn giá điều chỉnh”. Theo đó đơn giá một số công việc nào đó  sẽ được điều chỉnh khi chủ đầu tư theo dõi, xác định định mức, đơn giá trong khi thi công. Tuy nhiên thường là không thành công do không thể theo dõi, ghi chép đúng thời điểm thi công, biện pháp thi công không phù hợp cũng như thiếu sự phối hợp với nhà thầu (nhà thầu sẽ đối phó để định mức nếu theo dõi, khảo sát thiếu chính xác và kết quả là nếu có tính toán cũng cao hơn giá nhà thầu đã đưa ra trong hợp đồng). Trong một số trường hợp mức tạm ứng, thanh toán cũng đã đáp ứng nên nhà thầu cũng không mặn mà với việc phối hợp xây dựng định mức.

          Tâm lý thích kiểm soát, tránh trách nhiệm nên hầu như tất cả các cấp tham gia vào quá trình quản lý, kiểm soát chi phí thích có định mức xây dựng. Quy trình trình xác định, điều chỉnh, phê duyệt định mức xây dựng sẽ mất nhiều thời gian. Nếu cứ tiếp tục ban hành định mức xây dựng như hiện tại sẽ là công việc trường kỳ, tốn kém vì công nghệ, biện pháp thi công, máy xây dựng và cả trình độ nhân công xây dựng luôn được phát triển, đổi mới. Để theo kịp thị trường, thông lệ quốc tế có lẽ nhà nước nên nghiên cứu thay đổi cách thức quản lý định mức xây dựng sao cho  phù hợp và thuận tiện hơn và vấn đề, nội dung này chúng tôi mong được trao đổi tiếp trong các bài viết sau.   

                                                                             Hà Nội tháng 12/2021.

                                                                                      Nguyễn Văn Hoan