Thực hiện yêu cầu của Tổng hội về góp ý dự thảo Nghị định thay thế  Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại công văn số 2218/BXD-KTXD ngảy 4/9/2018; Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam, sau khi nghiên cứu các tài liệu kèm theo (dự thảo Nghị định và Tờ trình) có ý kiến như sau:

  1. Về cơ sở pháp lý, thực tiễn và khoa học thực hiện dự thảo Nghị định :

1.1  Cơ sở pháp lý: Việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong dự thảo Nghị định phải tuân thủ nội dung và yêu cầu giao Chính phủ hướng dẫn theo quy định tại luật Luật Xây dựng  số 50/2014/QH13 hoặc Luật xây dựng (sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Luật đầu tư công số 49/2014/QH13. Tuy nhiên một số nội dung sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại dự thảo Nghị định (nội dung công tác thẩm tra tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng phải theo yêu cầu của cơ quan thẩm định; dự toán xây dựng gói thầu xây dựng; quản lý định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng, chi phí gián tiếp và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến quản lý chi phí) là không phù hợp với thể chế quản lý, vận hành thị trường đầu tư xây dựng theo các quy luật kinh tế cơ bản của kinh tế thị trường và trái với quy định tại điểm 36,37 Điều 3, Điều 132, 136, 160 và 162 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật đấu thầu số 43/2013/QH13.

1.2.  Vể cơ sở thực tiễn:  Nghị định số 32/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2015, đã đi vào cuộc sống được hơn 3 năm. Để bảo đảm tính khả thi trên thực tế sửa đổi, bổ sung các nội dung đã được quy định thì  một trong những căn cứ quan trọng để nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định là phải đánh giá được những ưu điểm, tồn tại của Nghị định 32/2015/NĐ-CP. Mặc dù Tờ trình có nêu đã thực hiện việc tổng kết, đánh giá Nghị định này (6 nhóm vấn đề như nội dung tại mục 1.1 nói trên) nhưng không có kết quả tổng hợp bằng báo cáo để bảo đảm tính công khai, trung thực các ý kiến góp ý. Điều này dẫn tới việc khó kiểm chứng những nội dung sửa đổi của dự thảo Nghị định là để giải quyết tồn tại từ thực tiễn quản lý chi phí của cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể quản lý chi phí hay là ý kiến chủ quan, mong muốn quản lý từ cơ quan soạn thảo.

1.3.  Cơ sở khoa học: Việc sử dụng một số nội dung từ kết quả thực hiện dự án tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng của Bộ MLIT (Nhật Bản) và Bộ Xây dựng, nội dung Đề án hoàn thiện hệ thông định mức và giá xây dựng với lộ trình thực hiện đến năm 2021 theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ là chưa đủ luận cứ khoa học và độ tin cậy để làm căn cứ sửa đổi bổ sung. Các quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP đã tiếp cận nội dung , công nghệ quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ các nước có nền kinh tế thị trường phát triển (Mỹ và các nước theo hệ tiêu chuẩn của Mỹ như Canada, Mexico,  Hàn quốc, Singapore, Thái lan…; Anh và các nước theo hệ tiêu chuẩn của Anh như Úc, Srilanka, Hồng kong, Malaysia…)

  1. Về thay thế phương thức quản lý quy định trong dự thảo Nghị định:

Một trong các lý do cần thiết ban hành Nghị quyết 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 của Chính phủ là “số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài…”. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định cho thấy các giai đoạn, các khâu của quá trình quản lý chi phí đều tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước (thẩm định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng,gói thầu xây dựng; quyết định ban hành và thỏa thuận ban hành áp dụng định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng…). Việc tập trung quy định quá nhiều quyền (thẩm định, ban hành, thỏa thuận …)chi phí đầu tư xây dựng như quy định tại dự thảo Nghị định vào các cơ quan quản lý nhà nước như thời kỳ kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp (như quy định tại Nghị định 52/CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng) sẽ làm chậm quá trình xử lý, giải quyết các phát sinh, kéo dài thời gian thực hiện dự án và tạo ra “cơ chế xin –cho”. Điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, với trách nhiệm của Nhà nước là hướng dẫn, cung cấp thông tin, điều tiết, không can dự quản lý trực tiếp theo thể chế kinh tế thị trường và cũng chưa phù hợp với tinh thần “nhà nước kiến tạo” (mà sẽ là “nhà nước quản lý”) không tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, khó khăn trong quá trình thực hiện của các chủ thể có liên quan đến đầu tư xây dựng và cho doanh nghiệp như mục tiêu của Nghị quyết 110/NQ-CP.

  1. Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định:

3.1. Về việc bỏ nội dung “hạng mục chung” và thay bằng “chi phí gián tiếp” trong xác định  chi phí xây dựng :

Hạng mục chung là thuật ngữ đã được sử dụng trong các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Việt Nam từ trước đến nay. Theo thông lệ quốc tế  về quản lý chi phí, việc xác định dự toán chi phí các dự án đầu tư xây dựng bao gồm cả các dự án sử dụng vốn ODA tại Việt Nam đều có Hạng mục chung (General Items); nó phản ánh các chi phí không đo bóc khối lượng được từ bản vẽ thiết kế, nhưng cần thiết phải có để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công cũng như yêu cầu riêng khi thi công công trình… Việc đề xuất bổ sung “chi phí gián tiếp” trong chi phí xây dựng và thay thế (loại bỏ) Hạng mục chung là không phản ánh đầy đủ ý nghĩa, nội dung của Hạng mục chung đã quy định. Đề nghị giữ nguyên Hạng mục chung như quy định hiện hành.

3.2. Về việc loại bỏ hướng dẫn “Dự toán gói thầu xây dựng” tại Nghị định 32/2015/NĐ-CP và thay thế bằng hướng dẫn “Giá gói thầu xây dựng ”:

Hướng dẫn về “Giá gói thầu xây dựng” trong dự thảo Nghị định chỉ được thể hiện trong 01 Điều ( 02 khoản). Các quy định trong hướng dẫn này không mới và không cụ thể như hướng dẫn về giá gói thầu trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đầu thầu. Theo đó,  dự toán gói thầu cần phải hoàn thiện theo mặt băng giá tại thời điểm thực hiện, bảo đảm phù hợp với  đặc điểm, yêu cầu chỉ dẫn  kỹ thuật,  phương pháp xác định (cho gói thầu xây dựng, gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị công nghệ,  gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng,  các gói thầu hỗn hợp…), quy định về thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh…  cần được hướng dẫn thực hiện.

3.3. Về quản lý hệ thống chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật: Việc đề xuất để Bộ Xây dựng thống nhất ban hành, thỏa thuận để các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành  định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng,  bằng quyết định hành chính để bắt buộc các chủ thể có liên quan đến lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng áp dụng (thay vì trách nhiệm công bố thông tin trên thị trường đầu tư xây dựng để các chủ thể tham khảo, vận dụng hoặc sử dụng) tại điều 16, 18 và 19 của dự thảo Nghị định là không bảo đảm tính khả thi như đã nêu tại điểm 1 và 2 của văn bản góp ý này.

Các chỉ tiêu,  định mức kinh tế kỹ thuật nói trên là các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật chuyên môn sâu  phải gắn kết với các loại tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu sử dụng cho công trình, dự án. Nó phụ thuộc rất nhiều vào các yêu cầu, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của các công tác xây dựng, lắp đặt. Các chỉ tiêu kinh tế, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng còn phải phù hợp với khu vực xây dựng, mặt bằng giá tại thời điểm xác định chi phí … Ở các nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng không ban hành hệ thống các chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật, như  ở Mỹ và các nước theo hệ tiêu chuẩn của Mỹ do các Công ty tư vấn giá xây dựng có danh tiếng biên soạn và tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu, bảng giá; ở Anh và các nước theo hệ tiêu chuẩn của Anh do Hội khoa học trắc lượng Hoàng gia biên soạn và công bố phương pháp tiêu chuẩn tiên lượng các công trình xây dựng gọi tắt là SMM (Standart Method of Mesurement of Building Works)…

Việt Nam cần thực hiện phương thức trên khi sửa đổi, bổ sung Luật xây dựng số 50/2014/QH13 theo Nghị quyết 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 của Chính phủ .

3.4 Về quy định “trách nhiệm” của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Cần xem xét căn cứ pháp lý của việc quy định “trách nhiệm” như trong dự thảo Nghị định. Nội dung Điều 133 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng do vậy cần phải sửa đổi Luật Xây dựng 2014. Ngoài ra khó có chế tài xử lý trách nhiệm khi người quyết định đầu tư là Thủ tướng, Người đứng đầu các Bộ, Ngành, địa phương. Đối với nhà thầu tư vấn quản lý chi phí, nhà thầu thi công thì chỉ có trách nhiệm theo các điều khoản trong Hợp đồng..

Trách nhiệm trong các trường hợp như dự thảo Nghị định nếu cần quy định cũng là không đầy đủ và chưa phù hợp với Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

3.5. Về quy định Xử lý chuyển tiếp

Đề nghị đối tượng thực hiện xử lý chuyển tiếp là dự án, không nên quy định là “gói thầu” để bảo đảm thống nhất nguyên tắc, phương pháp quản lý chi phí xuyên suốt các giai đoạn của dư án.

  1. 4. Một số nội dung khác :

Đề nghị kiểm tra, rà soát lại các từ ngữ, nội dung quy định trong dự thảo Nghị định để bảo đảm tính chuẩn xác, đầy đủ của các quy định. Ví dụ Điều 9.Nội dung dự toán xây dựng không bao gồm Chi phí quản lý dự án nhưng trong khoản 2. Điều 10 cho thấy Chi phí quản lý dự án vẫn là một thành phần chi phí của dự toán xây dựng; Điều 10. Xác định dự toán xây dựng thiếu hướng dẫn cách xác định Chi phí khác; dẫn chiếu điều khoản tham chiếu chưa chính xác (Điều 23, Điều 25); nhầm lẫn giữa “ban hành” và “công bố” định mức xây dựng (khoản 4 Điều 16, khoản 3 Điều 24; khoản 1 Điều 36…).

Trên đây là một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Kiến nghị Tổng hội Xây dựng xem xét, tổng hợp.